CỦA CẢI VÀ NHÂN SINH
Trích từ: VoViLib (Bấm vào đây)

   Washington D.C., ngày 2 tháng 5 năm 1982

   Thưa các bạn,

   Hôm nay tôi xin thuyết giải về đề tài “Của Cải Và Nhân Sinh.”

   Muốn biết được cảnh hữu vi, của cải hiện tại, thì chúng ta phải tìm hiểu sơ khai thế giới, nguyên căn khởi điểm được tạo ra của cải cho chúng sanh hiện tại. Trước hết, xây dựng cảnh Thanh và cảnh Trược của cả Càn Khôn Vũ Trụ, đều là Ðiển. Khối Thanh được thanh lọc ở bên trên, làm trời; khối nhẹ, làm đất; càng ngày càng cô động, chuyển biến theo định luật Hóa Hóa, Sanh Sanh, tựu tan, vô thường. Đó; nhân loại giáng sanh tại thế, tại mảnh đất phù sanh này, mỗi người chỉ tiến tới trong chu trình học hỏi của Quy Luật Tựu Tan; nay có, mai không; sự Mê, Chấp; để thực hiện trở về với Chơn Tâm sẵn có. Mỗi mỗi giáng sanh xuống thế gian, học nhẫn, chịu đựng; từ Thượng Đế mà rứt xuống thế gian, để học, để làm cát sạn, cây cỏ, tiến hóa tuần tự trong Ðịnh Luật Sanh Khắc của Ngũ Hành, rồi trở về Hư Không Ðại Ðịnh. Mỗi mỗi đang ở trong chu trình học hỏi.

   Cho nên, ngày nay thế gian, người, nhân loại càng ngày càng đông, học càng ngày càng cảm thấy khó khăn, và càng được thức tâm, để biến chế ra đạo này, đạo kia, đạo nọ. Hỏi, cái đạo đó có chủ trương không? Luôn luôn có chủ trương của Bên Trên, vì trong cái tức có tiến, trong tiến có giải; sự thanh nhẹ ở bên trên luôn luôn hỗ trợ cho phần tiến hóa sẵn có của nhân sinh. Nhân sinh, từ của cải rờ mó được, tiến tới cái của cải Vô Vi đời đời bất diệt ở Bên Trên. Và trong cái thức tâm đó, học để tiến, học để tiến vô cùng. Cho nên ngày nay ở thế gian rất nhiều đạo giáo, tự động gom tụ, phát triển; lý nào cũng hay, nhưng mà đòi hỏi sự thực hành để chứng nghiệm thực tế của chính mình là điều quan trọng.

   Cho nên chúng ta dòm con thú, nó cũng biết yêu thương, nó cũng biết xây dựng cơ đồ, để nó đùm bọc sự ham muốn, mê chấp của chính nó. Con người cũng vậy, tại thế cũng vậy, đều là tìm một lối thoát cho chính mình; muốn có sự sống trong lẽ sống, chứ không muốn có ai đả động, phá hoại những cái gì sẵn có của chúng ta. Nhưng mà Ðịnh Luật luôn luôn không cho phép chúng ta trì trệ. Chúng ta thấy, ngoài sự ham muốn khoa học xây dựng của loài người, lại có định luật của Thiên Cơ: bão bùng nguy hiểm bất ngờ, động đất đủ thứ, chiến tranh đủ thứ. Chúng ta đều sống trong cảnh không ngờ. Sự tái hợp tựu tan cũng không ngờ. Cảnh duyên nghiệp vợ chồng cũng không ngờ, con cái cũng không ngờ, rồi cũng không ngờ chúng ta phải bỏ ra đi. Thì mỗi mỗi chúng ta thấy rõ ràng là không phải chúng ta nắm quyền, nhưng mà quyền ấy là do ai? Cho nên nhân sanh tìm ra cái giềng mối hóa hóa sanh sanh vô tận: Sanh, Trụ, Họai, Diệt, rõ ràng. Chúng ta thấy và xác nhận rằng, không tránh khỏi cái cảnh chết chóc, đau khổ, mới tiến tới đi cái chỗ tiến hóa, thanh nhẹ đi lên trên.

   Nên sự tranh đấu của mặt đất là xây dựng cho ở đâu? Xây dựng cho cái bầu trời thanh nhẹ, càng ngày càng sáng suốt, càng tiến hóa, càng thông minh, nói về phần trí tuệ hòa hợp với phần thanh nhẹ bên trên; và càng khai triển dễ dàng và mở tâm thức, tha thứ và xây dựng. Cho nên những tôn giáo luôn luôn khen tặng những phần sáng suốt như Đức Phật, Jesus Christ, tất cả những vị tổ, cũng là nằm trong sự sáng suốt và giải thoát, thành đạo. Tất cả mọi người đều khen tặng những hành vi đó, nhưng mà quêndòm lại sơ khai: từ trong Trược mỗi người phải học Trược mới tiến tới Thanh. Mà trong Trược, trong dục tính đó, nó có cái ác ý. Ác ý nó thành ra cái bản chất eo hẹp, và mỗi người ôm lấy bản chất eo hẹp, không lối thoát, rồi đâm ra nghi nan việc ngoài: thích cái này, chê cái kia, động loạn mãi mãi; làm cho mình bơ vơ. Rồi xưng danh rằng tu, xưng danh là lãnh đạo tinh thần, dìu dắt người này người kia, mà không chịu tự thức, không chịu sửa mình, đâm ra học cái lề lối chê bai. Làm gia trưởng, cha mẹ, cũng là lãnh đạo tinh thần đối với gia cang, nhưng mà không biết tìm lối thoát cho chính mình, rồi đâm ra chê khen đử thứ. Rốt cuộc ôm một cái bệnh nan y, không ăn được, không ngủ được; cũng muốn biết bệnh do đâu mà có? Cho nên luôn luôn tôi nói là Bệnh Do Tánh Sanh. Cho nên cái tánh chúng ta không biết xây dựng, không biết quản lý, không biết điều nghiên cho nó tiến hóa cho tới sáng suốt, thì chúng ta tự gặthái trong cái lề lối eo hẹp mà thôi.

   Nhiều người chán đời, bị khinh bỉ; thấy “Mình không xứng đáng sống với quần chúng; vì mình thua lỗ, mình không đẹp hơn người khác, mình xấu hơn người khác, chắc mình sẽ bị thoái bộ, bỏ rơi?” Cho nên mình càng ngày càng sống càng cô đơn. Tại sao? Tại mình thiếu cái Thức Hòa Ðồng. Vậy thì chúng ta, mỗi người, có đẹp, có xấu đi nữa, thì cái người đó cũng sống trong Thức Tấn Thối, do người quyết định. Mà nếu chúng ta biết quyết định được sự tấn thoái và sự sáng suốt đó sẽ quy về với chúng ta, thì chúng ta sống trong sự công bằng tương đồng với mọi nơi mọi giới. Tôi chấp nhận, tôi chấp nhận cái dung điểm đang sống hiện tại, để tôi học hỏi và tôi tiến hóa; thì luôn luôn càng ngày tôi càng khai triển, và tôi hòa đồng, và tôi nới rộng, thì tâm thức tôi càng ngày càng thanh nhẹ, tôi thấy của cải của trời đất vô cùng, không bao giờ thiếu thốn; chính tôi tạo ra sự thiếu thốn cho tôi mà thôi.

   Còn phần nhân sinh, nếu tôi sáng suốt và tôi chịu lột trần tất cả những bản chất xấu xa của tôi, thì tôi trở nên gì? Trở nên thanh nhẹ và sáng suốt, cởi mở. Nhiều người ở trong eo hẹp, đâm ra tức tối; việc gì cũng hỏi, việc gì cũng muốn ăn thua, việc gì cũng muốn kích động; nhưng mà không chấp nhận sự kích động của ngoại cảnh đối với mình. Đó. Mình khởi điểm xấu, phải gặt hái xấu; thì phải chấp nhận, biết cái xấu, giá trị của xấu, khởi điểm của xấu, xuất phát của sự xấu do mình tạo ra, mà không biết. Cho nên chúng ta phải trở về với khởi điểm của chúng ta, mới sửa được cho tâm linh tiến hóa. Nếu không chấp nhận và không chịu sửa, không bao giờ có; không bao giờ có sự tiến hóa, nhưng mà củng cố sự eo hẹp. Rồi phạm vi tiến triển của tâm linh, nó đâu có phải là bấy nhiêu đó! Một ngày nào đó ở trong định luật Sanh, Trụ, Họai, Diệt, nó chỉ phải đi tới mà thôi. Cho nên định luật nó cho chúng ta thấy phải già, phải bịnh, phải chết. Nếu mà tâm thức chúng ta không nới rộng, làm sao tôi phát triển? Chúng ta ôm của cải, nói, “Của, của tui, tui làm ra khổ cực, tại sao ngày nay nó mất đi? Tui đau khổ vô cùng.” Nhưng mà không biết đó là định luật có Tựu, có Tan, có đến thì phải có đi, nó mới tạo ra cái luật Quân Bình, và cái bánh xe tiến hóa của càn khôn vũ trụ nó mới tiến được.

   Cho nên chúng ta biết được cái bánh xe tiến hóa đang dẫn tiến tâm linh của chúng ta, và chúng ta tiến tới tuần tự, thì chúng ta có cái gì mất, có cái gì đau khổ, có cái gì buồn tủi, có cái gì kêu bằng trì trệ? Tại chúng ta không chịu đi! Chúng ta chịu đứng đó. Rồi chúng ta có đi được không? Chúng ta phải chịu roi đánh chúng ta, chúng ta mới đi. Cho nên nó mới xẩy ra những tình cảnh trong gia cang bất ổn, tâm linh bất ổn. Đó là các bạn đã nhận cái roi đấm đá các bạn mới chịu tiến, chịu tu. Nhiều người đã tu, rồi tự khép mình quá, thành ra bây giờ thiếu thốn, đâm ra thèm thuồng, cũng có nữa: thèm việc này, thèm việc kia, thèm việc nọ, đủ thứ. Bởi vì cái phát triển nó ra, thì nó phải đi tới hòa đồng; mà khi nó hòa đồng, thì cảm thấy mình thèm thuồng, thiếu thốn: ức cái này, ức cái kia; tới miếng ăn đi nữa cũng ức. Mới thấy cái cảnh xấu xa, trì trệ, chậm tiến; vì thiếu hòa đồng. Cho nên những bạn tu thấy mình càng ngày càng tu càng eo hẹp, càng nhỏ mọn? Thì mình được đi vô trong; và để khai triển cho nó lớn rộng; thì nó không bị cái cảnh, kêu bằng, mê chấp, thèm muốn nữa. Chúng ta chấp nhận đi vô. Bây giờ nó đi vô trong sự eo hẹp, tôi cũng phải chun vô trong sự tối tăm này, để tôi tìm cái giá trị của tối tăm này. Nhưng mà tôi thấy rõ, nhờ cái sự tối tăm này tôi mới tiến tới sự sáng suốt ngày hôm nay; nhờ sự bất mãn này, tôi mới thực hiện hòa đồng cao quý.

   Rôì trong cái thực hiện đó, làm gì? Nó mới đổi cái tướng chính tôi; mới thấy rõ là tôi đã tự đổi cái tướng của tôi. Tôi không còn eo hẹp nữa; tôi không còn sự giận hờn bất chánh; mà khi giận hờn đó, tôi còn chối cái giận hờn của tôi nữa kìa! Tôi làm người mẹ hiền, tôi làm người cha hiền, đối với, một nghiêm phụ đối với gia đình, mà nhiều khi tôi cũng phải giận lẫy con tui, giận lẫy chồng tui, giận lẫy anh em tui, giận lẫy đủ thứ! Thét rồi, oán ghét cả xã hội. Rồi dòm lại mình đây, ai thương? ai ghét? Tủi thân! Đó! Rồi mới thức tâm. Té ra tôi không phải trong phạm vi này! Vì tôi đã bước vào trong cái chỗ tăm tối này, để tôi đi tìm ánh sáng. Từ đây tôi biết rồi, tôi đã biết sự tăm tối là hỗ trợ cho tôi tiến hóa để tìm cái ánh sáng vô cùng.

   Cho nên tôi cho đó là một cơ hội, cho đó là một bài học xứng đáng, hơn là tôi thâu thập bất cứ những cái gì ở trong trường; tôi học trong trường học, mà tôi không sửa tánh được. Ngày nay hoàn cảnh cho phép tôi được có cơ hội sửa tánh và hiểu tôi. Của cải là gì? Nhân sanh là gì? Tiến hóa vô cùng là gì? Cho nên tôi thấy vinh hạnh vô cùng. Tôi đã học từ giai đoạn một, từ điểm một, từ giây phút đều xây dựng cho tôi tiến hóa. Tôi vui lắm, tôi vui với cả Càn Khôn Vũ Trụ. Tôi thấy con chim hót trên cành cây, nó còn ca tụng sự sáng suốt của nó; nó ôm lấy âm thinh để sống, để tiến hóa; nó ôm âm thinh để kêu gọi tất cả những sự còn mê chấp, để giải tỏa tâm thức; nó vui với cả càn khôn vũ trụ. Hỏi, tôi là một con người, tại sao tôi lại buồn với tất cả mọi người? Vì tôi thiếu dũng; tôi thiếu sự hòa đồng. Nếu mà tôi có dũng, tôi có hòa đồng, thì chắc chắn tôi cũng có nhiều người đã ngắm nghía tôi, cũng như tôi đang xem con chim ca tụng cả càn khôn vũ trụ, vui tươi. Âm thinh của nó là xây dựng cho tâm thức của nó. Tôi cũng có âm thinh, tại sao tôi không biết xây dựng tâm thức của tôi? Tôi lại sống trong sự eo hẹp, trong sự bê trễ, trong sự trì trệ, trong sự chấp mê, trong sự oán trách người này người kia, mà không biết trách mình? Ðau khổ vô cùng! Cho nên tui phải dẹp bỏ. Tui thấy âm thinh đang giáo dục tui: chính âm thinh đó có hòa hợp với Càn Khôn Vũ Trụ tui mới có âm thinh, tui có hành động. Mà hành động này cũng là hành động của Thượng Đế đã ân ban cho tui, để trở về với cái tâm thức sáng lạn, đi tới sự quân bình, giải tỏa sự động loạn chính tôi.

   Cho nên mỗi người đã qua những cái chuông học hỏi; từ nhiều kiếp, không phải là mới một kiếp học này, mới một kiếp tu này! Ðã nguyện tu, và muốn tu, và đã tu! Nhưng mà vẫn ôm trong cái chỗ eo hẹp. Cho nên mượn những gương lành của những vị đã thành công, đã thành Ðạo. Hỏi chớ, những vị đó còn tại thế không? Vẫn còn! Nếu chúng ta thanh tịnh tương đồng như Người, thì chúng ta có thể sống với Người bất cứ lúc nào, vì trình độ nó phải tương đồng khai triển, thì cái Thức Hòa Ðồng nó chung làm một mà thôi. Cho nên có cái câu “Vạn Giáo Quy Nguyên.” Rốt cuộc tuổi tác của chúng ta trong lúc 10 tuổi, 20 tuổi, 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, những vị đó muốn gì? Sáu, 70 tuổi rồi, muốn gì? Trong lúc thao thức không ngủ được, muốn gì? Muốn hòa đồng, muốn nhân loại xích gần với nhau, muốn vạn linh sống trong một cộng đồng sáng suốt tươi đẹp; muốn cống hiến cái Thuyết Hòa Ðồng của mình để cho mọi người phải biết thương yêu; muốn con cháu phải gần với nhau, tha thứ. Những tình cảnh chúng ta xét rồi, không có thể nghịch mãi, nhưng mà phải trở thuận. Sau cái nghịch là phải đi tới cái thuận; sau cái thuận là phải đi tới cái minh. Cho nên những người cao niên mới thấy rõ rằng bài học, chúng ta học không ít. Mà học không ít rồi, các bạn nên làm gì trong tâm? Muốn đem ra cống hiến. Nhưng mà sức khỏe không có! Sức khỏe không có, thì tâm linh của chúng ta vẫn trì trệ. Biết tuổi tác rất lớn, học hỏi rất nhiều; những câu thức tâm mình lĩnh hội được, nhưng mà phát biểu không được, là vì sức khỏe không có. Nên mới tìm ra một môn phái, tìm ra một đường lối để lập lại trật tự cho chính mình, là trong sự thiền giác. Tìm một lề lối mà mình tự xây dựng công phu đóng góp cho mình, và trở lại trật tự cho chính mình.

   Như các bạn đã và đang tu theo cái phương thiền này, là lập lại trật tự cho chính mình, chứ không phải giúp một ai đâu! Mà các bạn xây dựng tới ngày nay, các bạn chưa thấy tâm linh của các bạn, thì sự lầm đường lạc lối trước kia của các bạn biết là bao nhiêu! Càng thấy ta trì trệ, càng thấy ta tăm tối, thì càng thấy sự sai lầm của chính mình, từ nhiều kiếp, chứ không phải kiếp này. Cho nên chúng ta phải bình tâm, bình thản để tìm hiểu sự sai lầm của chính mình, và xây dựng, và lập lại trật tự. Có một lề lối, có một người đã đi trước và thành đạt được; vậy chúng ta nên trì chí để học hỏi. Học là phải thử, học là phải bị thi, thi là phải bị khảo! Nhưng mà trong lúc khảo đó, chúng ta phải chấp nhận “Ðây là bài học tốt đẹp, đây là cơ hội cho tôi tiến hóa; đây là cơ hội cho tôi mở tâm trí. Tôi phải học trong một đường lối, trong một lề lối của nhân sinh, rõ rệt, cao đẹp, lúc nào cũng có lối thoát; vì nhân quyền rõ rệt của Thượng Đế đã ân ban cho tôi là phần hồn chớ không phải là tay chân, không phải là hành động của bên ngoài. Vì sự thức tâm bên trong, mới thấy rằng nhẹ và hạnh phúc. Cho nên mỗi mỗi chúng ta thích cái cảnh thiên nhiên, thích cái cảnh tươi đẹp, thích những sự hồn nhiên ban thức trong thâm tâm của mọi người.

   Cho nên chúng ta càng ngày càng thấy rõ hơn, càng quý ta hơn, quý cái cảnh huyền vi. Cho nên chúng ta tu về pháp môn Pháp Lý Vô Vi. “Pháp Lý” là phân tách cho nó đầy đủ rõ rệt mọi sự việc. “Vô Vi” là trong cái không không, mà có tất cả. “Huyền Vi” là trong cái mắt phàm không thấy, mà tâm thức của chúng ta càng ngày càng thấy, dồi dào; càng gần được những vị ta kính mến hơn. “ Phật Pháp” là trở về cái nguyên lai của cả Càn Khôn Vũ Trụ, thanh tịnh, và tiến hóa mãi mãi tới vô cùng. Đó. Là cái đường lối vạch ra từ giai đoạn một.

   Cho nên những người mới tu hay nói, hay hỏi. Hỏi là luyện cho nó hiểu, và cái thức cho nó mở. Cho nên chúng ta, người tu, nên chấp nhận cho những người mới tu, mới hỏi. Bằng lòng học nơi Người, vì những câu hỏi đó là những câu rất quý giá, để xây dựng cái tâm chúng ta, coi có thanh tịnh không? Người thanh tịnh, bầu trời thế giới thanh tịnh; nhân sanh đứng đó, la làng; bầu trời thế giới không có chấp, và không có phạt. Chúng ta thấy rõ như vậy. Vậy tâm thức của chúng ta muốn trở về sự thanh nhẹ của Bên Trên không? Muốn trở về với sự thanh nhẹ của Bên Trên, chúng ta phải chấp nhận; phải bình tĩnh nghe sự thuyết trình của người mới tu, và hỏi han của người mới bước vào cửa Thiền; bao giờ cũng có sự thắc mắc; người ta ôm một gánh động loạn tới cho chúng ta. Điều thứ nhất, chúng ta có cơ hội giải thích cho họ bỏ cái gánh nặng đó; và chúng ta thấy rõ có một cơ hội thử sự thanh tịnh của chính mình. Chúng ta đang dự thi ở trường đời; nếu không có trường đời, làm sao chúng ta biết được chúng ta thanh tịnh?

   Cho nên chúng ta phải chịu học. Chịu học là học hỏi vô cùng, và học hoài, và được học hòai. Thì chúng ta không có nên chặn đứng bất cứ những cái gì xẩy đến, xây dựng cho tâm linh; thì chúng ta mới thật sự là người tu. Nếu chúng ta tu và chúng ta cảng đảng quá nhiều, thì cái mức tiến của tâm linh trong giây phút thiêng liêng cứu độ, đối diện của chúng ta, nó sẽ mất cái cơ hội. Cho nên chúng ta cần phải học. Chúng ta đừng cho chúng ta là cao niên không học; cao niên chừng nào thích học nhiều chừng nấy. Các bạn học nhiều tại thế gian thì các bạn càng muốn học nhiều; thấy cái sự ngu dốt của chính mình. Càng tu thì các bạn thấy cái sự trì trệ, lười biếng của chính bạn, càng siêng năng tu hơn. Mới thật sự là con đường phát triển tới vô cùng; và con đường đã đem lại đại đồng tâm thức cho cả càn khôn vũ trụ ở tương lai. Ðó là siêu văn minh của Thượng Đế sẽ an bài.

   Cho nên ngày hôm nay chúng ta diện đối diện. Ðể làm gì đây? Mà mỗi người mang những cái gì đến đây? Mang cái tâm thức hồn nhiên. Mà tâm thức hồn nhiên đó, ai đã cho? Sự huyền bí của Trời Ðất đã ban cho chúng ta có một thể xác: có ăn, có học. Các bạn có ăn, các bạn có thâu thập tất cả những gì thiên nhiên tạo hóa đã cấu tạo ra cho thế gian này: cơm, nước, món ăn, thích thú, cô đọng trong bao tử của các bạn, trong cái tiểu vũ trụ này, thì cái tiểu thiên địa của các bạn, bây giờ các bạn mới thấy có sự thúc đẩy đến đây, và đi đây đi đó, làm lụng trong kích động và phản động, để hiểu mình. Thì các bạn mới thấy rõ, “Ta làm thế nào đây? Ta đến đây để làm gì?” Chung quy chúng ta chỉ học những cái gì cho có trong tâm chúng ta, có trong thể xác chúng ta, có sự tinh vi cộng đồng của cả Càn Khôn Vũ Trụ mà chúng ta chưa hiểu. Vậy cho chúng ta là một người học giả, cho chúng ta là một người trí thức? Nhưng mà không hiểu cái gì sẵn có của chính mình, rồi đâm ra động loạn; và chỉ thưởng thức trong một khía cạnh nào thôi; quên toàn diện sẵn có của chính ta? Thì sự phát triển đó nó không có, không thể nào phát triển sáng suốt được.

   Còn nếu muốn đạt tới sự phát triển sáng suốt, chúng ta phải dọn ta nhiều hơn. Tuổi tác không cho phép nữa. Phải học nhiều hơn, phải cố gắng trở về học chữ Nhẫn thanh nhẹ, để hưởng cái sự hòa đồng tươi đẹp sáng lạn trong tâm thức của chúng ta, xây dựng đi tới vô biên. Tâm ta sẽ được định, Hồn ta sẽ được sáng; tin tưởng nơi khả năng sẵn có của chính mình để khai triển tới vô cùng, và để hiểu “Vạn Linh Hợp Nhứt Di Nhơn,” có mọi trạng thái mới có chúng ta. Rồi chúng ta gặt hái được phần Thanh Ðiển, chúng ta mới hòa tan với mọi trạng thái để Ðịnh.

   Cho nên chúng ta tu trong cái môn Thiền Ðịnh. Mà trong cái môn Thiền Ðịnh này, lập lại trật tự để ngừa bệnh cho bản thân; rồi từ đó chúng ta tiến tới tâm linh; rồi từ tâm linh đó mới học hỏi tới Ðiển Giới; rồi từ Ðiển Giới đó mới hòa tan tới các giới. Lúc nào chúng ta cũng tịnh, chứ không phải ngồi một đống đó mới là tịnh. Nhưng mà giai đoạn đầu chúng ta phải bắt buộc, vì chúng ta đã đi quá trớn, cho nên chúng ta mượn cái Pháp để Thiền. Như các bạn hiện tại Soi Hồn, Pháp Luân, Thiền Ðịnh. Đó là lập lại trật tự. Mà bất cứ tôn giáo nào, “Vạn Giáo Quy Nguyên” chỉ có một giáo mà thôi, đì tới không không gian, không thời gian, chỉ có một mà thôi.

   Tôi đã thường nhắc, thường nói cho các bạn nghe, nói đi nói lại, tôi chỉ thấy nói có bấy nhiêu đó thôi, nhưng mà để cho mọi người thấy một của cải vô tận sẵn có của chính ta: từ rờ mó, và trong kiến thức, lưu trữ đời đời bất diệt trong tâm thức của chúng ta, của cải vô cùng đang thu hẹp trong nhân sinh phạm vi của tiểu thiên địa này; và từ tiểu thiên địa này, khai triển hòa đồng với cả càn khôn vũ trụ, quân bình, tiến hóa nhẹ nhàng.

   Nếu các bạn thức được điểm này thì các bạn sung sướng vô cùng. Các bạn dòm xem các bạn: từ đầu chí chân, có chỗ nào khác hơn càn khôn vũ trụ không? Có đầu, có đuôi; có lãnh đạo, có xây dựng, có tiến hóa. Mỗi người trong cả càn khôn vũ trụ này hiểu rõ nguyên năng nguồn cội của chính mình, thì mới lập lại cái cảnh hòa bình, xây dựng thương yêu trên mảnh đất phù sanh này được.

   Nếu chúng ta hướng ngoại để chúng ta tìm cái tôn giáo cao siêu hơn, tìm một vị sư giỏi hơn, để cứu độ cho chúng ta tiến hóa, thì chúng ta sẽ mất vị sư đó, và mất luôn cả ta. Bằng chứng cho mọi người thấy, từ xưa nay mọi người đi tìm Chúa, tìm Phật, nhưng mà rốt cuộc những người tìm Chúa tìm Phật đó đi đến đâu? Toàn là đi đến chỗ tiêu diệt lấy họ mà thôi, không có cứu cánh. Mà họ trở về với họ và thấy họ là phần Hồn chủ của tiểu thiên địa này, là Chúa của tiểu thiên địa này, là Phật của tiểu thiên địa này, là ma quỷ trong tiểu thiên địa này; sự thức tâm nó lại mau hơn. Trở về với ta, tìm ra ta thì tìm tất cả; sẽ có tất cả. Nhưng mà không biết tìm chính mình, mà đi tìm ngoại cảnh, thì động loạn; làm sao tiến hóa nổi? Cho nên những vị cao niên, đến giờ phút này lớn tuổi rồi, bẩy,80 tuổi rồi, quý vị đã thấy. Nói đi nói lại, quý vị cũng nói sự kích động và phản động của ngoại cảnh mà thôi! Nhưng mà bên trong tâm thức của quý vị, quý vị chưa thấy. Càng ngày càng suy yếu rồi, chưa thấy bản năng sẵn có của chính mình, chưa biết ta ở đâu đến đây rồi sẽ về đâu? Rồi phủ nhận nói, “Tôi không có hồn, tôi không có vía.” Chỉ lấy chữ “Không” mà thôi, nhưng mà quên Đức Phật nói rằng “Sắc tức thị không, Không tức thị sắc,” trong cái có nó có cái không, mà trong không nó có cái có. Vậy bạn tìm ra cái có của bạn ở đâu? Vì sao mà không thấy? Thiếu định tâm. Không chịu tu sửa cho chính mình; rồi dùng lý thuyết bên ngoài để an định trong cảnh tạm thời; thì định luật nó đâu có làm cái đó? Định luật Sanh, Lão, Bệnh, Tử, là các bạn phải qua! Phải vượt qua! Phải đi tới! Bánh xe tiến hóa nó đâu có ngừng! Tâm thức chúng ta ngừng, và củng cố một cái vị trí ngu muội, đấu tranh, chê bai thiên hạ; nhưng mà không biết chê bai mình! Nghèo nàn vô cùng. Giờ phút lâm chung, ai cứu độ bạn, ai giúp bạn, ai sẽ xây dựng cho bạn? Ai là người trách nhiệm trong giờ phút lâm chung?

   Cho nên chúng ta có một cơ hội để lĩnh hội, để tìm tia sáng. Và tia sáng đã đến với chúng ta rồi, tại sao chúng ta không hướng thẳng tia sáng đó? Hướng thẳng tia sáng đó là để chúng ta đi, để chúng ta tiến hóa, và chúng ta sẽ học hỏi vô cùng; thì sự cống hiến của các bạn đâu có vắng, đâu có vắng trong tâm thức của những người khao khát? Nếu các bạn chịu làm, chịu học, các bạn mới thật sự cống hiến vào trong tâm thức của những người khao khát; vì người đời xem người để thức tâm. Người này xem người kia, người kia xem người nọ, cũng như là đọc sách, là đọc kinh vô tự. Chúng ta quen một người bạn đời, chúng ta học, đọc cả một tủ sách. Chúng ta xem một cảnh, chúng ta đọc cả một tủ sách thiên nhiên. Mà tâm không định, thì không biến nổi, và không thăng hoa nổi cái sự cao độ sáng suốt vô cùng, mà chúng ta có thể nương tựa cái điểm đó và tự đạt tới sự sáng suốt. Cho nên chúng ta phải biết, phải bình tâm lại, trở về với sự sẵn có của chúng ta, trở về với cảnh huyền vi của trời đất ân ban cho chúng ta.

   Cho nên ngoại cảnh đã thức tâm chúng ta rất nhiều; nên tôi đã thường nói: các bạn mang một cái áo của khẩu hiệu đoàn kết mà tâm không đoàn kết. Giữa nhân loại với nhân loại, mà phân cách, chia rẽ, rồi đâm ra chém giết lẫn nhau! Ðê hèn vô cùng! Không có sự sáng suốt. Bày đủ thứ, nhưng mà không dẫn tiến; lầm trong sự sai lầm, mà vẫn cứ tiến tới sự lầm, và không chịu thức tâm. Cầu mong những sự sáng suốt cứu độ. Vậy chúng ta có thể lập lại trật tự cho chúng ta sáng suốt; hỏi chứ, chúng ta có thể trở về khôi phục lại một cái cơ đồ sáng suốt? Có một tổ quốc thương yêu, xây dựng bởi cộng đồng sáng suốt, một điểm tựa vô cùng chiếu diệu trong nhân loại quần chúng; tại sao chúng ta không làm?

   Cho nên chúng ta phải trở về, tự tu, tự tiến, ăn năn hối cải, mới thật sự là người tu. Phần tuổi của chúng ta càng ngày càng lớn; kinh nghiệm đó vô cùng quý báu để đóng góp cho hậu sinh. Chúng ta phải chọn một cái con đường, luyện cho chúng ta có mạnh khỏe, có trật tự, để chúng ta có thời gian để đóng góp, và minh giải mọi sự việc để cho mọi người thức tâm, và đóng góp cho cộng đồng nhân sinh. Một kho vô tận, một của cải vô giá của Thượng Đế đã ân ban.

   Cho nên chúng ta phải trở về với niềm tin thực chất của chính mình. Hành để tiến, làm để có; không ai cho chúng ta được. Đức Phật thành công của Đức Phật, bây giờ chúng ta noi gương Ngài chúng ta phải hành như Ngài chúng ta mới đạt được sự thành công. Chư Tiên cũng vậy. Chúa cũng mong chúng ta tiến, dũng tiến, chấp nhận. “Thương Yêu Và Tha Thứ,” đó là chấp nhận. Chữ “Thương yêu và Tha thứ” của Thượng Đế đã ân ban, của Chúa đã ân ban, là kêu chúng ta phải học nhẫn, xóa bỏ hận thù, thương yêu xây dựng; là lối thoát vô cùng cho mọi người. Có tôn giáo nào khuyên người ta đi ăn cướp không? Có tôn giáo nào khuyên người ta đi chia rẽ không? Nhưng mà chúng ta là người đã tu, đã vô đoàn ngũ để tu, mà chúng ta lại kêu những sự chia rẽ, rồi phân tâm, làm cho thiếu cái Thức Sanh Tồn. Thức Sanh Tồn hòa hợp với cả Càn Khôn Vũ Trụ, chúng ta lại mất đi! Hỏi, ai mất trước? Chính người đề xướng đã mất trước. Tự diệt họ mà không hay.

   Cho nên tôi đã phân rõ ràng: Thượng Đế là do khối óc xác nhận; Phật cũng do khối óc xác nhận; ma quỷ cũng là khối óc xác nhận. Mà nhân gian đã chán ma quỷ rồi, không lí do gì trở lại với ma quỷ. Thức hồi sinh vô cùng của Đức Phật đã chứng minh cho mọi người thấy rằng phải cứu cả hai; cứu ta trước đi, nhiên hậu độ chúng sanh; phải cứu cả hai. Chúa cũng vậy, “Nhất Bất Sát Sanh,” không có chủ trương giết chóc; và không có tôn giáo nào nói sự giết chóc đẫm máu. Ðẫm máu và giết chóc, không ai vô mà tu, không ai chịu đi tiến tới mà học. Đó là nhân quyền của tâm linh, nhân quyền của phần hồn, hòa hợp với Thượng Đế. Cho nên chúng ta thấy rõ, bên trên ân ban cho chúng ta, cái gì cũng vô cùng: của cải vô cùng, tâm thức vô cùng. Mà nếu chúng ta không chịu tha thứ, chúng ta không mượn nghịch cảnh mà giải tỏa sự tăm tối của chính chúng ta, thì chúng ta phải bị luôn luôn cô đọng và khổ tâm mà thôi.

   Nhiều vị hiện tại ăn không ngon ngủ không yên, than trời trách đất, nhưng mà không biết nhiệm vụ của chính mình. Nhiệm vụ của loài người là thế thiên hành đạo đó các bạn. Cho các bạn có một tổ ấm, cho các bạn biết thực hiện thương yêu trong gia đình. Mà đi đến nửa chừng không chịu đi tới nữa mà thôi, rồi đâm ra chia rẽ lẫn nhau. Trong một khối mấy người trong gia đình cũng có sự chia rẽ, là vì không chịu hành và chưa chịu đi, và không chịu học thẳng trong những cái bài thi, không chịu trả bài ngay trong hoàn cảnh. Ngộ nhận lẫn nhau mà thôi! Chứ kỳ thật công khai bàn bạc, thì mỗi người đều có một mục tiêu sẵn có: cha có mức tiến của cha, con có mức tiến của con, vợ có mức tiến của vợ, mà chồng có mức tiến của chồng. Côn trùng vạn vật đều có mức tiến trong chu trình tiến hóa, tùy theo trình độ nhân duyên phát triển của nó mà thôi.

   Khi chúng ta hiểu được cái bánh xe tiến hóa không bao giờ ngừng và trong tâm của chúng ta phải cần thanh tịnh mới ứng phó được và học hỏi được, thì chúng ta phải trở về với điểm thanh tịnh. Chúng ta không nên khen tụng những sự thành công của bất cứ một ai! Chúng ta nên trở về với sự sẵn có sáng suốt để ổn định ta! Và chúng ta mới chấp nhận “Ta là học viên cả càn khôn vũ trụ, và là một con nợ cả càn khôn vũ trụ.” Chúng ta đã mượn rất nhiều vật chất để xây dựng tâm linh, mà ngày nay càng ngày càng trì trệ, càng chậm tiến! Chúng ta nên gọt bỏ nó đi, nên xa lánh nó đi, để trở về với căn bản tâm thức của chúng ta. Chúng ta nhìn nó bằng một cách quán thống nguyên lai bổn tánh của nó, thì chúng ta mới thấy nguyên lai bổn tánh của chính mình: mMột hột cát cũng biết tiến hóa; một cây cũng biết tiến hóa. Từ cảnh này tới cảnh kia; từ cái bàn đi tới một cái vật ngộ nghĩnh treo trước mặt chúng ta, cũng là một khúc cây, mà cái đó đã biểu hiện sự thông minh của loài người, và biểu hiện sự chịu đựng của vật chất trong chu trình tiến hóa. Cho nên, mỗi mỗi đều tiến hóa, mỗi mỗi đã và đang tu.

   Nhưng mà loài người có cơ hội, có sự sáng suốt thông minh hơn, để tìm hiểu một lề lối giải thoát cho chung, đem ra cống hiến cho nhân loại. Cho nên chúng ta mới thấy rõ, bất cứ tôn giáo nào cũng hay. “Bất khả bất tín, Bất khả tận tín” Chúng ta nghiên cứu đi; cái gì duyên dáng của Thượng Đế đã ân ban, chúng ta nghiên cứu đi; mà chúng ta không nên tận tín; mà chúng ta nên nghiên cứu để thức tâm, trở về xây dựng cho chính mình: tùy theo khả năng, tùy theo trình độ sẵn có của chính ta, ta mới tiến. Đó. Thì không có tôn giáo nào xấu; mà không có con người nào tệ. Những hành động này cũng là thức tâm tôi; những hành động ác trược kia, tôi cảm thấy rằng không xứng đáng trong hành trình tiến hóa theo cuộc hành hương của tôi hiện tại, thì tôi không học. Nhưng mà không có nó, làm sao tôi hiểu được? Phải có nó để tôi mới có cơ hội học hỏi.

   Rồi những hành động siêu diệu kỳ công đã tạo nên sự thanh tịnh sẵn có cho mọi người, cái đó cũng là điều đáng học. Nhưng mà tôi học, tôi phải hành tôi mới có. Nếu tôi nói “Tôi thích học,” nhưng mà tôi không hành, tới đó tôi nói “Tôi làm không nổi; chỉ có ông đó mới làm được, chứ tôi làm không được!” Cho nên, biết bao nhiêu người mến Đức Thích Ca, yêu thương Đức Thích Ca, quý trọng Đức Thích Ca. Nhưng mà quý trọng cái gì? Quý trọng dũng chí của Ngài đã thành đạt. Vậy chúng ta có dũng chí không? Chúng ta quý trọng Ngài, và chúng ta không sử dụng dũng chí của chúng ta, thì Ngài cũng chịu; Ngài không có biết cách nào mà có thể giúp đỡ chúng ta. Mấy ngàn năm Ngài đã thành đạo; mấy ai đã được gần Ngài? Ca tụng Ngài rất nhiều; làm những cảnh đẹp cho Ngài rất nhiều. Nhưng những cảnh đẹp đó, Ngài đã không cần thiết, và Ngài từ bỏ ra đi; trong cái cung vàng của Ngài, Ngài còn rời khỏi để Ngài ra đi. Tại sao chúng ta tái tạo? Để làm gì? Tại sao ta không nhìn hành động của Ngài và thức tâm, để trở lại trong cái thức du dương tu luyện của Ngài, hòa đồng với các giới, cứu độ chúng sanh? Chiếu diệu trong tâm hồn của mọi người, để mọi người thức tâm và hành động như Ngài? Chẳng có ai chịu học; nhưng mà lấy sự thông minh lợi dụng đấng trọn lành. Tưởng kêu Ngài là Ngài phải đến với chúng ta? Than khóc với Ngài, Ngài phải phục vụ chúng ta? Cái đó là chúng ta đi ngược chiều! Không phải đúng đường lối tu tịnh. Cho nên, chùa chiền thờ Phật, xây dựng một cảnh để cho mọi người thức tâm. Cái đó là xây dựng cái dũng chí cho con người, ra phải chịu đựng, học hỏi và tu tiến thành Ðạo như Ngài; chứ không đặt vấn đề mê tín Ngài, cúng Ngài, lạy Ngài, để Ngài độ! Không có vụ đó! Ngài đã hành động ngay trong tâm thức chúng ta, chúng ta đã đọc lịch sử của Ngài; Ngài có hành, Ngài mới đạt.

   Vậy trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta nên hành động, hay là chúng ta tiếp tục lợi dụng Ngài? Chúng ta là người có tội, tăm tối, và còn tạo thêm sự tăm tối cho chính mình; nên làm hay là không? Với phần tuổi của chúng ta càng ngày càng lấn át, đêm qua với đêm nay các bạn đã mất một ngày rồi; hẹn mãi trong tăm tối! Tới giờ Thiền, các bạn cũng hẹn nữa; nhiều khi hẹn với cả tôi nữa! “Tối nay, tôi sẽ ngồi tới sáng.” Nhưng mà được không? Cho nên, các bạn phải nhớ, phải dòm lại các bạn; không nên hứa với bất cứ một ai, nhưng mà dòm các bạn, “Ðêm nay tôi tu được chưa?” Hỏi , “Anh tu bao lâu?” “Tôi mới tu đêm qua,” là cũng đủ rồi. Ðêm qua mà tôi tu được rồi, thì bữa nay tôi mới sáng suốt; chứ đừng nói là “Tôi tu bao nhiêu năm, và tôi lãnh được một cái chức, kêu bằng, vô cùng giá trị.” Cái chức đó không có giá trị! Bất cứ một cái chức gì phong tại thế gian đều là bỏ, không có giá trị. Nhưng mà tâm thức tiến hóa đi tới Hư Không Ðại Ðịnh, Bề Trên mới chứng tâm. Đó là mình mới xác nhận rằng, cái cơ tiến hóa tôi đã đạt và tôi đã tiến; tôi phải chấp nhận tiến tới vô cùng, đó mới là danh: chính mình xác nhận mình tu; không có quảng cáo, không có buôn bán!

   Cho nên tôi nói, các bạn phải thực hành, mỗi mỗi chúng ta đều thực hành. Của cải cả càn khôn vũ trụ này ăn không hết, và không bao giờ lâm vào cảnh thiếu thốn nữa. Biết phân đồng cho chung và trong bình đẳng, trong nhịp thở của Thượng Đế, hít vô và thở ra, mọi người đều sống trong đồng đẳng tương giao. Chúng ta phải xóa bỏ cái vách tường tự ái mà để tiến hóa tới sự hòa đồng thương yêu xây dựng. Mỗi người chúng ta đều là một tâm linh tại thế, đã và đang học hỏi, đồng thức đồng tiến. Không nên trì trệ nữa, không nên làm cho các bạn càng ngày càng tăm tối và không lối thoát.

   Hôm nay tôi nói có hơi nhiều, nhưng mà muốn phân tách trực tiếp trong tâm thức của các bạn, để cho các bạn hiểu các bạn nhiều hơn. Mỗi một đơn vị chúng ta có một cơ hội, có một của cải, có một cái bản thể sống trong cộng đồng nhân sinh; chúng ta thấy rất vinh hạnh. Nên chấp nhận học hỏi để tiến từ đơn vị một, thì nó sẽ thành tựu trong một khối quy mô phát triển cho nhân loại ở tương lai. Tôi không biết nói gì hơn. Sau bao nhiêu năm tu luyện của tôi, đã gặt hái trong sự thức tâm đến đâu thì tôi chỉ cống hiến đến đó, để cho các bạn càng ngày càng về với các bạn sớm hơn, và trở về trong cái cung điện thanh nhàn bên trong của chính bạn, thì bạn mới thấu đáo được cái câu “Phật tức Tâm”.

   Kỳ thật, chúng ta ở ngay trong Trung Tâm Sinh Lực cả Càn Khôn Vũ Trụ; mà chính chúng ta không chịu hướng thượng, thì cảnh đó không bao giờ có. Cho nên các bạn đừng dùng miệng niệm Phật la lu mà mất công, không tiến được. Dùng ý niệm: niệm trung tim bộ đầu, thì các bạn thấy rằng tâm thức quảng đại của các bạn càng ngày càng nới rộng, hòa đồng với cả Càn Khôn Vũ Trụ. Cái Thức Hồi Sinh vô cùng, trụ đảnh; từ đó các bạn mới tiến tới vô cùng Bên Trên; mới thấy hào quang chư Phật chư Tiên là cái gì, giá trị vô cùng là cái gì? Cho nên, “Ðiển hóa văn” chứ không phải Văn hóa Ðiển; tôi đã nói rồi. Các bạn đừng tu Thiền đi, rồi các bạn đọc Kinh, các bạn mới thấy rằng tác giả đã có Ðiển mới tác ra Kinh được. Do cái môn Thiền thành đạt, mới viết rành mạch cho chúng sanh; nhưng mà chúng sanh không chịu bước vào con đường Ðiển, thì không bao giờ thấy giá trị của cuốn Kinh. Đọc để học chữ mà thôi; đọc để hiểu một phần lý thuyết mà thôi; chứ kỳ thật, thanh tịnh mới hiểu tất cả. Cho nên, tôi mong rằng mọi người nên thức tâm, tự nghiên cứu, thấy rõ cái Ðịnh Luật Sanh Lão Bệnh Tử, và của cải của nhân sinh, “Của Cải Và Nhân Sinh” rõ rệt: Tu Tâm, hưởng lấy; thực hành để tiến tới vô cùng. Thì tôi thấy rằng chúng ta là con người, chúng ta là học viên của Càn Khôn Vũ Trụ, chúng ta mới thật sự đóng góp cho Càn Khôn Vũ Trụ.

   Cám ơn sự hiện diện và chung Thiền của các bạn trong giây phút thiêng liêng này với tôi. Cám ơn.

 TRỞ LUI