ĐẠO LÀ GÌ?
Trích từ: VoViLib (Bấm vào đây)

Montreal, ngày 7 tháng 11 năm 1982,

   Thưa các bạn, hôm nay chúng ta lại có cơ hội tiếp tục nghiên cứu xem: Đạo là gì? Có những người đã hành, đang hành, bắt đầu muốn hành, muốn biết được đạo là gì? Kỳ thật: Đạo là tự nhiên, Đạo là luật quân bình trong tâm thức của mọi người. Cho nên phải có cơ duyên mới bước vào thềm Đạo Pháp. Chúng ta, mọi người đều có sự quân bình trong nội thức, nhưng vì sao chúng ta bị mất đạo, mà bây giờ phải bắt đầu tìm lại con đường đạo pháp? Vì chúng ta giáng trần xuống thế gian, mang một tâm Đạo quân bình để nhập vào trong thể xác, có luật lệ rõ rệt, nằm hẳn trong tâm thức của chúng ta, có thanh, có trược, nhưng cư trần, nhiễm trần, mỗi ngày nó làm mất cái nguyên lai bổn tánh của chúng ta. Vì đó, chúng ta cảm thấy rằng càng ngày càng đi xa, càng ngày càng hướng ngoại, càng ngày càng làm lụn bại tâm thức của chính chúng ta, cảm thấy bất ổn! Sự bất ổn đó nó lại tạo cho chúng ta mất quân bình và làm cho chúng ta thấy rõ cái bản chất tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố, dục, không điều hòa, làm cho tư tưởng của chúng ta mất hẳn sự quân bình. Cho nên chúng ta mới chán ngán trường đời, bắt đầu trở về tìm đạo pháp. Khi chúng ta đã hành và đang hành, các bạn thấy nhiều người cảm giác rằng: từ ngày tôi tu cái pháp này tới bây giờ tôi thấy cái tâm thức tôi lại tiến triển; tôi thấy có một triết lý trong sự sống của lẽ sống; tôi thấy tôi ham thích sống hơn! Tại sao? Tại tôi đã gọt rửa được những cái gì tiếp thu, thu hút được tại thế gian trần trược, nó bám bíu làm sự sáng suốt càng ngày càng lu mờ. Và bây giờ tôi tu thiền, tôi thấy tôi trở lại với căn bản của chính tôi. Đó là tôi trở về luật quân bình sẵn có của chính tôi. Cho nên, càng ngày càng thích thú. Thích thú ở nơi nào? Thích thú trở về với căn bản của chính mình. Còn lý đạo, những người đi trước đã phân tách cho chúng ta thấy: có điển nó mới hóa văn, cho nên ghi vô thành văn tự tại thế, rồi mỗi người tìm một lý, rồi cũng đồng vào câu nói đó, nhưng mà mỗi người cắt nghĩa một lý! Có kẻ giàu văn chương và tìm hiểu văn chương rồi mới thấy rõ tâm thức mình bừng sáng ra, mở trí ra, nhưng rốt cuộc không hành! Thì cái tánh hư tật xấu đó nó vẫn bám bíu và làm cho con người cũng là trở lại cái giới sân hơn, chấp mê. Khi chúng ta hành rồi chúng ta cảm thấy rằng: thường trực, thường xuyên, ta tự hành, tự giải, sự cảm giác về phần thanh điển rõ rệt. Chúng ta phân ra thanh trược minh bạch, nhiên hậu chúng ta mới thấy rõ sự quân bình trong nội thức, lúc đó chúng ta thấy: Đạo là tự nhiên, tự nhiên từ bao nhiêu ngàn kiếp! Vạn sự từ quân bình, thụ hưởng sự kích động và phản động, cho nên quang chiếu sự việc và bày vẽ sự việc tại thế. Cho nên thế gian kẻ làm việc này người làm việc kia, nhưng mà cũng phải trở về với Đạo là sự quân bình.

    Cho nên mọi người cũng ở trong cái giới sân si, nhưng rồi ăn năn hối hận, thấy rằng không đúng! Thấy tôi đang chiến thắng người đó là đúng, nhưng mà không đúng! Tôi, một võ sĩ đấm đá có uy lực, rất hay, chiến thắng, đánh chết người, nhưng mà rốt cuộc tôi từng gặt hái được một bênh nan y! Rồi tôi thấy rằng: không phải lẽ sống của chính tôi, và tôi chán ngán trường đời. Vậy tôi đi đâu? Tôi trở về đạo pháp căn bản của chính mình, trong nội thức của chính tôi. Thì tôi mới tìm rõ cái Luật Quân Bình, mà thấy Đạo là tự nhiên. Cho nên người đời quá mê muội cảnh trần gian và đem chôn vùi cái Thức Siêu Nhiên sẵn có của chính mình, cho nên mới tìm trở lại một con đường tự giải và tự tiến, là trở về với tự nhiên tâm đạo. Những người đã hành thiền lâu mới cảm giác điều này, thấy rõ. Khi thấy rõ luật quân bình sẵn có trong ta đã từ lâu, từ bao nhiêu kiếp mà chúng ta đã quên nó mà không hành, thì chúng ta hành rồi, chúng ta mới quán thông được mọi sự việc. Té ra, tất cả vạn sự chuyển biến tại thế gian đều từ trong Đạo mà ra, từ thanh tịnh trở về động loạn, từ động loạn trở về thanh tịnh, và xây dựng sự sáng suốt sẵn có của chính mình.

    Cho nên ngày hôm nay, chúng ta đã thật sự phải hành, không có dùng lý thuyết, không có dùng văn chương, không có dùng văn tự, mà tất cả những danh từ hiện tại đều vá víu, thâu luợm của hành giả tự đạt và cống hiến cho chúng sanh. Cho nên tôi đã thường nói rằng: Nhất lý thông thì vạn lý minh. Nếu các bạn trở về với căn bản thanh tịnh của các bạn, thì các bạn có thể đẻ ra muôn triệu văn chương, trong sự sáng suốt quân bình sẵn có của chính mình, chứ không phải các bạn được học văn chương đó rồi các bạn hiểu Đạo đâu! Không! Nếu các bạn không sửa tánh, các bạn không gọt rửa những sự trần trược các bạn đã thu thập bao nhiêu kiếp thì không bao giờ giải tỏa được sự uất hận trong nội thức, sự tăm tối trong nội thức. Cho nên Vô Vi chúng ta là chủ trương hành đạo chứ không giành đạo. Phải thực hành và trở về với chính mình, mới rõ luật tự nhiên mà có Đạo. Nhơn sanh không hiểu, cho đây là một pháp tuyệt diệu! Không phải tuyệt diệu, vì chúng ta bám bíu trần gian quá nhiều, nhiễm trần quá nhiều, ô trược quá nhiều, cho nên chúng ta thanh lọc lần lần, chúng ta từ bỏ những cái tánh hư tật xấu mà đã thâu thập ở trần gian, cho nên chúng ta mới vượt khỏi sức hút đó và trở về với siêu nhiên rõ rệt. Cho nên người hành đạo, tại sao được giải thoát và trở về với căn bản quân bình của chính mình mới kêu là giải thoát ? Khi mà trở về với căn bản quân bình thì cái đầu nó hút thanh nhẹ, thì các bạn ngồi đó nhưng mà những người đã hành, đã gia công thực hành, nhắm mắt thấy bộ đầu rút. Đó là đi đâu? Đó là đi lên! Đó là giải thoát! Đó là tránh cái vòng luân hồi ma quỷ thu hút! ...[không rõ] kêu bước vào hành đạo, hành không nổi! Cho nên ở thế gian muốn hành đạo phải chán ngán trường đời mới bước vào để học đạo pháp. Cho nên đạo pháp là tự nhiên. Biết bao nhiêu kẻ đi trước, những vị tiền bối đã thành đạt, lưu lại những sách vở vi diệu vô cùng để chúng ta đọc, nhưng đọc hoài không hiểu. Nói "cái này cao quá"! Kỳ thật, không có cao! Vì những vị đó trở về với chính Ngài, Ngài mới tìm ra luật quân bình và cống hiến những điển văn, mà tả thành văn tự, để cho mọi người đọc, thức một phần thôi. Nhưng mà không hành thì cuốn sách đó đọc qua rồi kể như bỏ. Hay! Hay! Hay! Nhưng mà không hành không bao giờ thấy cái hay, vì không thấy cái luật tự nhiên bên trong, không thấy sự quân bình bên trong, không thấy sự sáng suốt bên trong, thì không phải hấp thụ! Không hấp thụ được! Cho nên chúng ta hành, những người hành rồi tự nhiên một câu nói đơn sơ, một chữ nghĩa sơ xài, nhưng mà họ cũng có thể quán thông được nguyên lý của văn tự. Người hành đạo trong thực hành mới thấy rõ nguyên lý của văn tự. Cho nên nói "nhất lý thông vạn lý minh" là vậy. Thì chúng ta trở về với sự quân bình và hiểu sức hút của Thiên Lực, Tâm Lực, Địa Lực, thấy rõ ràng tam giới có, mà chúng ta có thể thống nhất tam giới đó thì chúng ta trở về gì? Trở về siêu nhiên, hòa hợp với tự nhiên.

    Trong sự sống có lẽ sống, sáng suốt thanh nhẹ, dồi dào, nhưng mà các bạn đó đã hành thành đạt rồi, các bạn đâu có cần ôm cuốn sách nữa. Không! Các bạn có cần nhìn chữ để các bạn tu không? Không! Các bạn nhắm mắt mà trong đó nó tuôn chảy ra bất cứ đề tài nào, và phát triển trong sự sáng suốt rõ rệt. Lúc đó các bạn mới xác nhận rằng: trình độ tôi mới đến đây, và trình độ người khác mới đến đó. Thì các bạn đâu còn chấp và còn mê. Đó là cái luật phá mê phá chấp, là trở về với mình, rồi bước vào trong cái thức sáng suốt đó, mới kêu là phá mê phá chấp. Không bước vào sự sáng suốt làm sao phá mê phá chấp? Thấy rõ mới từ bỏ nó. Thấy rõ mới không bị lưu luyến nữa, thì nó trở về với luật quân bình sẵn có trong tâm thức. Cho nên đạo là siêu nhiên, nó đã có từ lâu. Nguồn gốc nó là bất diệt, mà nguồn gốc của nó là vô cùng. Cho nên ngày nay chúng ta phải hành để thấy. Không hành làm sao thấy? Người thế gian luôn luôn khen chê "đây là tà đạo", "đó là chơn pháp"! Đây là của một cuốn Thánh Kinh vô cùng sống động, nhưng mà các bạn không hành đạo các bạn làm sao thấy đó là Thánh Kinh sống động? Các bạn không chịu gọt rửa cái tâm thức trần trược tại thế này làm sao các bạn ngộ được siêu nhiên? Cho nên phải hành! Bất cứ tôn giáo nào ở thế gian mà không hành trong tâm thức thì không bao giờ hiểu giá trị của Đạo. Những Đại Đạo tại thế gian hiện tại, triệu triệu người đi theo, nhưng mà những hành giả đó không chịu hành thì làm sao thấy rõ, thấy rõ cái sự sáng suốt của Bề Trên đã ân ban và sự cầu nguyện của mình đã đạt ở nơi nào? Cho nên chúng ta đã gọt rửa được rồi, những người bước vào nhà thờ, bước vào thềm chùa thiền, bước vào môn phái tu học nào cũng đã chán ngán trần đời, và thấy mình đau khổ, nhiên hậu mình mới bước vào trong cái tâm thức cầu xin Ơn Trên phổ độ cho mình được giải thoát, được tránh nạn, được phát triển mau lẹ, tùy theo ý muốn. Đó là mình đã chán cái trần đời, cho nên trở về trong tâm thức, trở về với siêu nhiên. Khi mà các bạn trở về với siêu nhiên là tâm động thần tri! Lúc đó thì Bề Trên sẽ ứng chiếu cho tâm thức.

    Cho nên khi chúng ta bước vào siêu nhiên rồi, chúng ta mới thấy rõ siêu nhiên là có sự thật; ma quỷ là có sự thật; Trời Phật là có sự thật; Chúa là có sự thật; Thượng đế là có sự thật! Tất cả những sự siêu diệu đang chiếu hóa trên khối óc chúng ta và trong tâm thức của chính mình. Và chúng ta không trở về cái căn bản thì chúng ta không nắm được cái giềng mối đó để mà phát triển tới vô cùng, thì lúc nào chúng ta cũng cảm thấy bơ vơ và đau khổ trong Chấp và Mê. Cho nên những người tu Vô Vi phải thực hành. Đã nói "Vô Vi": Vô Vi là không còn một trần nhơ bụi bậm nữa! Phải bước sao, phải làm cách nào, để tránh những cái sự trần nhơ bụi bậm đó. Cho nên chúng ta phải ở trong thực hành mới gọt rửa được, nếu không thực hành không bao giờ gọt rửa được. Cho nên những bạn đã tu cảm thấy rằng: từ ngày tôi bắt đầu vô tu cái pháp này rồi, con người tôi được ổn định nhiều, và tôi dòm thấy hình dáng tôi cũng như hình như trẻ trung, và cặp mắt sáng lạn. Nhờ cái pháp này ư? Không! Nhờ ý chí sẵn có của chính mọi hành giả qua cơn điêu luyện đau khổ, thử thách của trường đời, mới chán ngán trường đời, và thấy mình cuối cùng có một khả năng để tự giải thoát. Cho nên tin nơi khả năng của chính mình, hằng đêm, hằng ngày tu luyện. Lúc đó chúng ta mới thấy rằng: chúng ta từ siêu nhiên mà có, chúng ta phải trở về với căn bản siêu nhiên vô cùng. Cho nên càng thực hành, cơ thể phải thay đổi, càng thực hành tâm thức càng nhẹ nhõm, và tất cả mọi sự việc chúng ta tự quán thông rõ rệt. Không có sự mê hoặc nữa, vì chúng ta trở về với sự quân bình sẵn có của chính mình, làm sao lại có sự mê hoặc? Sự cân đoán rõ rệt mọi sự việc đem vô trong khối óc chúng ta, con tim chúng ta, ngũ tạng chúng ta, đều đạt sự quân bình thì chúng ta cân nhắc cái nào được, cái nào không, cái nào có thể lưu luyến trong tâm thức của chúng ta, và những việc gì không lưu luyến trong tâm thức của chúng ta thì tự nhiên nó phải rời khỏi lãnh vực tư tưởng của chính hành giả. Cho nên những người càng hành về Vô Vi, càng thực hiện về trong cơn thiền giác rồi, những người đó hình như cũng như là "phản đạo", nhưng kỳ thực nó không phải phản đạo. Vì nó trở về với luật tự nhiên sẵn có của nó, nó không còn lợi dụng cái pháp nữa, và nó không lệ thuộc bởi cái pháp nữa, và nó thấy nó là siêu nhiên mà có, cho nên không bị lệ thuộc nữa, và nó chỉ có thực hành và đi tới, không còn sự lo âu.

    Cho nên các bạn tu thiền, có người thiền được hai ba tiếng đồng hồ, trong một cơn thiền đó thì cảm giác tâm thức nhẹ nhàng vô cùng. Và các bạn có một giấc ngủ an lành, và ngày mai các bạn có thể xem rọi trong kiếng để các bạn thấy rõ mặt mày mình tươi! Đâu có phải ăn sâm, ăn yến, đêm qua đâu! Nhưng mà vì cái khổ hạnh thực hành và trở về với siêu nhiên, thì uống viên thuốc đại bổ tâm lẫn thân. Sau cơn thiền giác cảm thấy nhẹ nhàng, cảm thấy sung sướng, cảm thấy con đường đạo trong ta, và cảm thấy ta sẽ đi tới Đạo rõ ràng. Thì tất cả vạn sự đều do Đạo mà ra, do Luật Quân Bình phân phối. Chúng ta giáng thế với luật quân bình, với sáng suốt. Một tiên đồng tiên nữ có sự sáng suốt sẵn có của chính nó, nhưng làm việc theo nhiệm vụ thì không làm, và đi làm việc trần trược, dơ dáy, rồi bị sức hút của hồng trần lôi cuốn càng ngày càng động loạn thêm! Rồi nó vun bồi bản tánh tham, sân, si, hỷ, nộ, ái ,ố dục, tham sanh quý tử, tham sống sợ chết, buồn tủi đủ thứ! Đó, chúng ta mới thấy rằng: cư trần, nhiễm trần. Nếu tôi không xuống cái cõi ta bà phù sanh này làm sao tôi có tánh hư tật xấu như ngày hôm nay? Vì tôi bị lôi cuốn bởi trần tục. Cho nên tôi thấy rằng: động loạn. Tôi mới nghiệm: trong lúc sơ sanh tôi chưa có bản chất đó, ngày nay tôi càng gia tăng cái bản chất kỳ quái của chính tôi, và chính tôi đã chán chê nó, trách móc nó, thấy nó mất quân bình rõ ràng, thấy nó động loạn rõ ràng, thấy nó không thể minh định mọi việc trước khi nó muốn thực hành! Thì chúng ta mới xác nhận đó là đã bị lôi cuốn bởi tam giới tại thế: Thiên Giới, Tâm Giới, Địa Giới, nó hút chúng ta. Thì trong đó, chúng ta chưa quán thông được, thì nó biểu hiện gì? Biểu hiện sự động loạn sân si, buồn tủi. Cho nên chúng ta hành rồi chúng ta từ bỏ lần lần. Trước kia các bạn thích đi coi hát, các bạn thích hút thuốc, các bạn thích chơi bời, các bạn thích đủ cảnh thiên nhiên, nhưng mà ngày nay các bạn hiểu được siêu nhiên rồi, tất cả từ siêu nhiên mà đến, thì các bạn đâu có còn gì thích nữa? Và trong cái không thích đó làm cho các bạn tê liệt ư? Làm cho xã hội đồi bại ư? Không! Làm cho các bạn càng ngày càng sáng suốt và xây dựng, làm cho xã hội càng ngày càng tinh vi và tốt lành, xây dựng trong sự cần thiết và không lo những điều không cần thiết. Cho nên trở về với luật quân bình thì mới thấy sự quý giá siêu nhiên, và mới thấy rõ Thượng đế là ai? Thấy rõ những người đã thành đạo ở nơi nào, điểm nào, mà người ta đã giải thoát được.

   Cho nên, trong tâm thức của các bạn còn vun bồi mãi thì các bạn nghĩ sợ ma. "Tôi tu đây rồi ma nó bắt!". Vì sao? Vì sự yếu hèn; tôi đã bị luân hồi; tôi đã bị thu hút bởi địa ngục, âm phủ, cho nên ngày nay tôi được luân hồi lục đạo, tôi phải còn sợ ma. Nếu tôi trực tiếp giáng sanh, không có sợ ma! Cho nên những người còn sợ ma, đó là trong cái cơn yếu hèn, qua sự hành hạ quá nhiều, thành ra sợ. Tất cả cái gì cũng sợ! Vì sao? Vì mình yếu hèn, thiếu sáng suốt. Cho nên khi chúng ta hiểu được chúng ta từ siêu nhiên mà đến và chúng ta tự gọt rửa những sự trần trược vá víu trong tâm thức của chúng ta từ nhiều kiếp, thì chúng ta sẽ thấy rõ rằng: khả năng sẵn có của chính mình là vô cùng, cho nên cố gắng xây dựng để trở về với căn bản sẵn có của chính mình. Người tu thấy rõ đường lối đó thì không bao giờ bỏ Đạo, vì không có lối nào có thể đưa chúng ta thoát khỏi cảnh trần tục, trần tục bụi bậm hiện tại. Tưởng đâu các bạn bước vô giới khoa học bây giờ các bạn có thể rửa cái thân và cái tâm các bạn sạch đâu? Chưa! Mỗi ngày mở mắt ra thì thu hút chuyện trần trược, và xác các bạn đều bị bụi bậm bám bíu không ít, tràn đầy từ đầu chí chưn, mà không hay! Tưởng ta là đẹp, ta là tốt! Tôi phiền các bạn mội chút, lấy cái kính hiển vi xem cái mặt các bạn có đẹp không? Không đẹp đâu! Gớm guốc lắm! Dơ dáy lắm! Mà các bạn trở về với siêu nhiên rồi, soi tâm thức của các bạn càng dơ dáy hơn nữa, càng trần trược hơn nữa. Các bạn mới thấy rằng cái sức hút của tam giới là trong kích động và phản động. Chúng ta thấy rõ, càng tu càng thấy rõ hơn, các bạn mới thấy rằng cần thiết là Kinh Vô Tự. Chớ kinh hữu tự tràn giang đại hải, mấy ai đã đọc được? Cho nên "Vô Vi hành đạo chứ không giành đạo" là vậy. Nếu người nào muốn nghiên cứu về Vô Vi không hành, thì cái lý thuyết đó vững về đời nhưng mà tâm người không bao giờ sửa được. Đọc thì người đời ở trong trình độ hạn hẹp đó, cho văn chương đó là hay, cho đường lối đó là đúng, nhưng không hành không bao giờ có! Cho nên muốn hành thì phải thế nào? Qua cơn khảo đảo. Những người thế gian phải qua cơn khảo đảo. Hành giả tu về Vô Vi phải được nhồi quả để hiểu cái luật tự nhiên hơn. Nhồi quả rồi, các bạn mới thấy rằng: tôi thoát được từ trong biển lửa mà ra, từ trong động loạn mà tôi đạt về thanh tịnh. Cho nên thế gian có chùa, có nhà thờ, để đón rước những người chán đời, bước về đạo. Bước vào nhà thờ để tìm coi tại sao người ta đi tu đông như vậy, nghe pháp nhiều như vậy? Ta đi tìm cái lịch sử của hành giả đã thành đạt, tức là Jesus Christ. Mà hành giả đó hành trong khổ hay là hành trong sướng? Kỳ thật, Ngài đã hành trong khổ, mới đạt được hạnh phúc đời đời. Rồi chúng ta vào chùa chúng ta tìm lịch sử của Đức Phật, hỏi chớ "Đức Phật hành trong sướng hay là hành trong khổ"? Hành trong khổ! Mà ngày nay chúng ta đòi sướng để đạt tới sướng, thì không có cái luật đó! Chúng ta phải chấp nhận hành khổ, chúng ta mới đạt được sự quân bình, thanh nhẹ, hạnh phúc đời đời ở tương lai. Chứ không phải chúng ta bước vô chùa rồi chùa độ chúng ta, chúng ta đi lên thiên đàng liền! Bước vô trong nhà thờ, nhà thờ độ chúng ta đi lên thiên đàng! Không có cái vụ đó! Nhiều người đã và đang đi nhà thờ, nhiều người đã và đang đi chùa, đã cảm giác điều này thấy rõ. Không phải! Không phải xin mà có! Rốt cuộc phải biết sử dụng khả năng sẳn có của chính mình, mới có. Thì chúng ta sử dụng khả năng sẵn có của chính chúng ta để trở về với siêu nhiên, thì cả một kỳ công, cả một hành trình phải tự điệu luyện và tự thức, mới đi đến. Cho nên chúng ta tu bất cứ ở nơi nào, không phải tới thiền đường mới là tu được. Nếu tâm thức chúng ta cơ duyên đến thì ngay trong căn nhà, trong cái chổ ngủ chúng ta ngồi được là chúng ta có thể thức. Còn sự bàn bạc ở khắp các nơi, bạn đạo tương hội đó, để làm gì? Để thức tâm, và để tất cả các bạn với nhau tìm hiểu. Có khi đụng chạm, và có khi cởi mở. Lúc đó, chúng ta mới thấy giá trị của cái luật siêu nhiên trong tâm thức của mọi người, rồi mọi người đều trở về với trong sự tu học và tin nơi khả năng sẵn có của chính mình để khai triền. Chừng này tại sao tôi thấy tôi sân si, khi tôi nghe qua lời nói của người đó tôi cảm thấy bực tức, là tôi thấy tôi còn trần trược, chưa hết cái tâm bịnh, còn tâm bịnh, thì tôi cố gắng về tu, để sửa cái điểm đó, nhiên hậu tôi mới đạt tới kêu bằng tự thoát. Cho nên chúng ta có cơ hội trong bạn đạo, hội tụ với nhau trong sự phát tâm, chứ không phải tập. Chúng ta không phải lập một thiền đường quy mô như những cái tôn giáo khác, nhưng tự nhiên mà có. Cho nên sự phát tâm tương ngộ đó tùy thức của mọi người tương ngộ, chứ không có bắt buộc, ràng buộc một ai, và không có cái quyền đó. Cho nên hành giả muốn trao đổi để sớm thức tâm thì tương ngộ càng nhiều, thì mới rõ rằng: người nhẹ rõ cái người nặng, và không phạm về cái giới nặng nữa. Và phải có những người tánh hư tật xấu biểu lộ trong cái lúc đàm đạo lẫn nhau, chúng ta mới thấy rõ cái bánh xe kia sắp nổ, chúng ta không có sử dụng đường lối đó, và chúng ta xây dựng một đường lối sáng suốt hơn. Cho nên sự trao đổi đó rất hữu ích, nếu hành giả thật sự hành đạo. Còn không thật sự hành đạo, bước vào nó chấp, nó nói "cái đám VôVi này sao ăn rồi cứ cãi lộn hoài"! Không phải vậy. Khi nó bàn cải rồi nó mới thức tâm, khi nó đụng chạm rồi thì nó mới chịu thực hành, và thấy sự trì trệ, thấy sự cố chấp của chính nó, bỏ quên cái luật siêu nhiên sẵn có của chính nó. Nó thẹn thùng đối với Trời Phật, thẹn thùng đối với Siêu Nhiên, chứ không phải đối với người phàm. Cho nên người tu chúng ta qua một cơn thịnh nộ rồi chúng ta mới thấy rõ: đê hèn vô cùng, trì trệ vô cùng, làm mất cái phẩm giá sẵn có của chình mình, tăm tối rõ rệt. Cho nên càng ngày chúng ta lại càng xích gần nhau, lại càng được nhớ nhung và thương yêu trong tinh thần xây dựng rõ rệt. Đó! Và chúng ta đâu có chán ngán trường đời; chúng ta lại quý trường đời; chúng ta thấy trường đời là trường thi, thi thố, và cho chúng ta thấy rõ rằng: chúng ta phải dự thi hay là không? Nếu chúng ta không có quân bình làm sao chúng ta dám đi dự thi. Trong lúc mình thấy mặt mày bảnh bao, tâm thức ngon lành, bị người ta chửi như con chó, tại sao chúng ta không giận? Đó là chúng ta bước về siêu nhiên, đâu có giận! Siêu nhiên đâu có ai chửi nó được đâu! Siêu nhiên đâu có ai cắt đứt được nó đâu! Thanh tịnh đâu có ai dọn dẹp sự thanh tịnh được, nhưng mà động loạn có quyền dọn dẹp. Cho nên sự bình thản kiên nhẫn đó lại ảnh hưởng được các nơi, các giới, rồi mở cái tâm thức của nó để tiến tới phần sáng suốt. Cho nên chúng ta phải ngộ những cảnh đó. Những nghịch cảnh đó là thầy của chúng ta. Những nghịch cảnh đó để giáo dục chúng ta. Những nghịch cảnh đó để gia công và đo lường sự thanh tịnh của chính mình. Cho nên chúng ta quý nó, và chúng ta mang ơn nó, chứ không bao giờ chúng ta đặt vấn đề thù hận đối với nó. Chúng ta nhờ nó chúng ta mới tiến; nếu không nhờ nó, chúng ta không có tiến được. Chúng ta thấy rõ: trong cái khổ để tìm cái hạnh phúc, chứ không bao giờ chúng ta ở trong hạnh phúc đi tìm hạnh phúc đâu! Trong khổ mới khao khát hạnh phúc. Trong tăm tối mới khao khát ánh sáng, chúng ta mới đi tìm ánh sáng. Cho nên trong động loạn chúng ta mới đòi hỏi sự quân bình và công bằng. Đó! Cho nên chúng ta thấy rõ: khi các bạn ngồi thiền các bạn nghĩ về tình dục một chút thôi, là nó lôi cuốn các bạn. Nó hút! Cái địa lực nó hút! Cái tâm lực nó hút, làm cho rối loạn ngồi không yên, ngồi không được. Rồi bây giờ chúng ta phải làm sao để giải cái phần đó? Chúng ta mượn cái pháp hít thở này là nó mới biết được về siêu nhiên. Từ cái siêu nhiên đó nó sẽ mở những sự lố bịch trong ngũ tạng, ngũ kinh của chúng ta, nhiên hậu chúng ta mới trở về sự thanh nhàn quân bình, thanh nhẹ quân bình, rồi chúng ta mới thấy rõ cái luật siêu nhiên. Khi mà trụ đảnh ngay trung tim bộ đầu rồi, thì người ta chỉ tưởng Bên Trên một chút là người ta thấy rõ rồi: việc sai lầm trong tâm thức của họ, sự tối tăm trong tâm thức của họ, đã thu hút trong ba cái lực đời: thiên lực, tâm lực, địa lực nó hút, nó làm cho chúng ta kích động và phản động, rõ rồi.

    Cho nên càng tu càng được quán thông hơn, càng tu càng được giải tỏa hơn, càng tu càng trở về với chính mình là tự chủ, mới lèo lái cái Con Thuyền Bát Nhã này trở về Tây Phương Cực Lạc. Còn không có tự chủ, thì không ai điều khiển, cũng như con thuyền trôi giữa biển, mặc cho bão bùng nguy hiểm đập cho đến chìm mà thôi. Chúng ta biết vun bồi ý chí, thì trước cái cảnh ác trược chúng ta kể nó là hạnh phúc, thì nó sẽ trở về hạnh phúc. Nhờ đó chúng ta mới tiến; nhờ đó chúng ta mới có cơ hội học hỏi; nhờ những sự kìm kẹp đau khổ đó chúng ta mới thức tâm và tìm lối thoát. Cho nên trường đời Thượng đế đã giáo dục rất tinh vi: bước vào làm con người thì biết yêu đời, mà yêu trong một cách kêu bằng "không có anh, em phải chết", và "không có em thì anh cũng phải tự tử". Đó! Cái cảnh đó mới đưa các bạn chán ngán được. "Không có tiền tôi sẽ chết!". Đó! Mê cả chiếc xe hơi, mê cả căn nhà, mê cả cái radio sẵn có, thích đủ thứ! Nhờ đó mới chán ngán cái trường đời. Ân sư ở trước mắt, ân sư đã nằm tất cả trong căn phòng của các bạn, giáo dục các bạn. Nếu các bạn còn mê điều nào thì điều đó sẽ gặp các bạn như không! Mà các bạn thức tâm và quán thông được siêu nhiên rồi thì không có, không có bị kẹt. Thì các bạn thấy trong Không mà Có, trong Có sẽ trở về với Không, thì không còn sự động loạn khi các bạn bị mất mát. Thì các bạn thấy rõ ràng các bạn có đem gì xuống thế gian đâu mà bị mất! Chả có gì, kể cả cái xác của các bạn cũng là mượn mà thôi, làm sao mà mất? Nhưng mà cái Hồn là siêu nhiên và quân bình, vì nó không bao giờ diệt được. Người ta gọt nó đến đâu, nó sẽ cũng vẫn còn giữ cái Thức. nếu không Thức thì xuống địa ngục thì nó cảm thấy đau, cảm thấy cảnh hành hạ là ghê gớm, cảnh hành hạ là đau lòng? Đó là Thức! Bây giờ chúng ta đang tu đây, vun bồi cái thức tròn vẹn, thức từ mọi trạng thái chúng ta cũng học. Một tiếng động, chúng ta cũng thức tâm; một lời nói nặng chúng ta cũng thức tâm; mà một lời nói nhẹ an ủi chúng ta cũng thức tâm. Chung quy để giữ một cái thức để tiến hoá mà thôi. Cho nên chúng ta càng tu thì càng vui, càng sống hòa đồng với các giới, càng sống trong cái cảnh sân hận buồn tủi nhưng mà không còn buồn tủi nữa. Cảnh vợ chồng tương khắc, rồi tu một thời gian thấy: "té ra không có gì!". "Tại tôi, không phải tại ổng!", "tại tôi, không phải tại bả!", thì cái chuyện gia đình nó lại êm xuôi! Thấy rõ sự sai lầm của chính mình.

    Chúng ta đã chung đụng ở trong một căn nhà, mỗi người một tánh. Giữa bạn đạo và bạn đạo cũng có một sự gây cấn thầm kín bên trong. Rồi chúng ta mới thấy rõ: "tại tôi" thì yên, mà "tại họ" thì động, thấy rõ chưa? Kẻ lớn đối với người nhỏ cũng vậy. Chính tại mình mà thôi. Chúng ta còn trong mê chấp, ta mới thấy đối phương không đúng. Nếu chúng ta hết mê chấp rồi, chúng ta thấy sự tiến hóa và hành trình đi tới của hành giả rất rõ rệt, không bao giờ ngược ngạo, thì chúng ta đâu có chấp! Nếu mà chúng ta chấp thì chúng ta đang kẹt mà thôi! Sai lầm của chính mình, chứ không phải sai lầm của họ. Cho nên nhiều người tu chưa đến đâu, rồi nói rằng: người đó sai, phê bình đạo đó không đúng! Đó là tạo sự tăm tối cho chính mình, đóng cửa, và kẹt không tiến được. Cho nên càng tu chúng ta không chê; chúng ta ngược lại cảm ơn tất cả những gì kích động và phản động đối với chúng ta. Nhờ đó chúng ta mới tiến, nhờ đó chúng ta mới khai triển tâm linh, nhờ đó chúng ta mới thấy vinh hạnh được làm con người, mà để hiểu vạn linh. Con người từ mọi trạng thái mà có! Rồi lúc đó chúng ta mới hòa tan và mến yêu mọi trạng thái, chứ không có trạng thái nào dở hết. Trạng thái nào cũng xây dựng tâm thức chúng ta tiến. Chúng ta thấy rằng cái đó dơ dáy ư? Chúng ta thức tâm; nhờ đó chúng ta mới cảm biết hai chữ "dơ dáy"! Chúng ta thấy cái đó là thơm tho, chúng ta cũng thức tâm: nhờ đó chúng ta mới biết cái giá trị của thơm tho. Mà hai cái tương đồng một giá mà tôi không thấy! Rồi nhờ cái này tôi mới bước đến cái này; mà nhờ cái này tôi mới quán thông cái kia. Đó! Cho nên người đạo luôn luôn đâu có bỏ người đời. Hành được đạo rồi, muốn cống hiến cho người đời, và muốn người đời hiểu họ nhiều hơn, trở về với luật siêu nhiên quân bình của chính họ, chứ không muốn chèn ép một ai. Thành ra người ta thấy người này càng ngày sao nó thay đổi rồi; tánh tình nó thay đổi rồi, coi bộ nó đễ thương! Rồi lúc đó họ mới theo, và họ bước tiếp theo con đường hành giả đã và đang đi, thì họ thấy Đạo là siêu nhiên rõ rệt.

    Cho nên chúng ta phải cần phải học. Ban đầu chúng ta còn áp dụng kinh hữu tự, còn nghe chút đỉnh âm thanh phân giải. Rồi một thời gian nào đó chúng ta tu, không cần bất cứ một cái gì. Chúng ta trở về với siêu nhiên sẵn có của chúng ta, chúng ta mới thấy rõ rằng: chúng ta đang học trong cái trường học của Càn Khôn Vũ Trụ, để học cái lối tiến vô cùng, thân không ngừng nghỉ. Lúc đó chúng ta học nhẫn, học hòa, trong thanh khí du dương, nhẹ nhàng, trong chu trình tiến hóa rõ rệt. Không bị kẹt nữa, không bị lôi cuốn nữa, vì thức hòa đồng chúng ta đã nắm giữ được cái chìa khóa đó, thì không bao giờ bị kẹt nữa. Cho nên các bạn rất có cơ duyên để thực hành trở về với chính mình. Mượn một cái pháp tạm thời trong một cuộc sống ngắn ngủi như thế này, mà lần lượt đã hiểu được khả năng sẵn có của chính mình. Cho nên chúng ta phải giữ lấy sự hùng dũng đó để tiến, không nên làm cho chúng ta yếu hèn. Các bạn càng yếu hèn thì trong giờ phút lâm chung nó phải rút các bạn xuống âm phủ. Cái đó là đương nhiên phải có. Yếu hèn thì bị rút ở một cõi nào. Nếu mà chúng ta thanh nhẹ rồi, thì khỏi sức hút đó. Cho nên càng tu thấy càng nhẹ, càng tu thấy càng cởi mở, càng tu càng thức tâm, sáng suốt. Trong thực hành mới thấy, còn ngoài thực hành không có lý thuyết nào được hết. Vì sách vở, kinh sách để lại quá hay, nhưng mà người phàm mấy người thực hiện? Đọc mới có mười câu, năm câu là chán ngán rồi, không thích nữa. Nhưng cái đó cũng phải có, để độ những từng lớp đã bước vào học văn chương, trí thức, phải mượn đó mà để soi sáng tâm thức của họ, họ mới lần lượt quay về với chính họ được. Còn người mà biết hành pháp rồi, không cần thiết; chỉ cần sự thực hành để đi tới mà thôi. Hằng ngày, những kinh vô tự kích động và phản động ngay trong gia cang đã giáo dục. Nếu người trở về sự thanh nhẹ và quân bình thì người sẽ thấy rõ điều đó Thượng đế đã an bài từ lâu và dẫn tiến tâm linh. Chính sự trì trệ của chính mình mà làm cho mình chậm tiến mà thôi.

   Cho nên hôm nay chúng ta lại có được một dịp nghiên cứu thêm: Đạo là gì? Rốt cuộc mọi người cũng sẽ thấy Đạo là siêu nhiên quân bình. Phải trở về với siêu nhiên quân bình mới thấy rõ Đạo.

    Thành thật cảm ơn sự hiện diện của các bạn ngày hôm nay.

 TRỞ LUI