HỎI: Trên tờ "Phương Pháp Soi Hồn" có viết: "Trí ý tập trung tại xoáy Hà Đào Thành, cố gắng xuất hồn đi lên cõi Phật". Nhưng đã bao lần hỏi ông Tám thì ông lại trả lời: "Chỉ chú tâm lên xoáy óc một chút thôi rồi chú tâm qua trung tâm chân mày" cho đến khi xuất ánh sáng v.v... như thế có phải là đối nghịch nhau không?

ĐÁP: Bạn phân tách về sự đối nghịch rất đúng, nhưng bạn nên bình tâm xét lại. Chúng ta đang thực tập mở khiếu điển quang của bộ đầu về phần điển hướng về Đức Phật là phần điển thanh và nhẹ nhàng, tưởng là đến nơi chứ không cần lảm nhảm thương nhớ vọng động. Cho nên tôi đã nói với các bạn nhiều lần là: trí ý tập trung tại xoáy Hà Đào Thành cố gắng xuất hồn đi lên cõi Phật, chỉ một chút đó thôi, rồi ngó ngay nơi trung tâm chân mày. Bạn nên xem kỹ lại, một khi bạn gom trí nơi Hà Đào Thành thì luồng thanh điển ấy tựu ngay, vì nó là loại nhẹ, rồi bạn ngó ngay nơi trung tâm chân mày là tống mở cái luân xa mách điển nơi ấy, vì luân xa ấy là luân xa dẫn đầu để mở các luân xa khác ở trong cơ thể. Đức Phật là người đã tự khai thông được luồng điển của cơ thể của xác phàm cho nên Ngài mới lưu lại cho hậu thế về phương pháp để tự giải thoát. Ngài dùng chữ NAM để mở luân xa trung tâm chân mày. Âm thanh của chữ NAM là luồng điển trụ ngay trung tâm chân mày. Đối với người tu luyện đúng theo pháp này, đến lúc thanh tịnh ý ta tưởng đến chữ NAM thì ta thấy ánh sáng ngay nơi chân mày. Đối với người mới tập tu thì luôn luôn thắc mắc là vì đã trót làm con người thì ai cũng có sẵn sự tham muốn, cho nên phần đông thiếu kiên nhẫn để tìm hiểu lấy chính mình, nhưng chỉ muốn bước vào tập tu là phải thành Phật ngay. Người mới tu trong vòng ba năm thì khó chứng minh được sáu luồng điển của sáu luân xa ở trong nguyên lý NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Mỗi chữ đều có dẫn chứng bởi luồng điển thanh tịnh, như tôi đã cắt nghĩa rõ ràng trong bản NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, nhưng luôn luôn phải đặt vào mục đích cuối cùng, từ nặng đi tới nhẹ, từ thắc mắc đi tới khai thông, thì mới nhận xét được sự tiến bộ của mình.

(Trích từ sách : Thực Hành Tự Cứu)