TỔNG HỢP NHỮNG CHIA SẺ CỦA CHÚ BÁ TRÊN TELEGRAM
(Text được sưu tầm từ kênh Phan Vân trên Youtube
và Kênh Kim Chỉ Nam trên Telegram)
(MỤC LỤC TOÀN TRANG)
🍀 PHẦN 151
- Bạn đạo: Cháu thấy đa phần người tu vô vi vẫn có gia đình và vẫn tập pháp bình thường. Mình có sống trọn vẹn đạo nghĩa hiếu kính với cha mẹ vợ con thì mới là đời đạo song tu. Mong chú giải đáp giúp cháu.
Chú Bá: Người tu đắc đạo họ tìm ra hạnh phúc thật sự cho chính họ và khám phá ra rằng cuộc đời là ảo mộng không phải là thật. Nhưng con người bị lầm lẫn qua giác quan trần thịt, tình cảm và bị giáo dục bởi những người chưa đắc đạo. Cho nên con người đa số sống theo các lý thuyết sai mà vô tình tạo ra khổ nạn và tâm không có bình an. Đó là "Khổ Tâm" và bị luân hồi mà trầm luân trong khổ biết bao nhiêu đời kiếp. Khi mình nói mình sống bao nhiêu kiếp thì mình thấy rõ là mọi việc trong một kiếp không phải là thật. Nó chỉ là những tình huống cho phần hồn nhận ra nó bị sai lầm, yếu ớt mà tạo ra một chuỗi khổ liên tục. Để rồi chính nó phải tìm cách sửa lại để có được sự hạnh phúc thật sự cho chính nó. Tu là tự sửa cái tâm hồn của mình từ yếu trở thành mạnh và có nhiều năng lực. Có nhiều năng lực thì mới có thể hóa giải biến yếu trở nên mạnh để tâm không bị nhiễm trần mà đau khổ. Cho nên nếu mình muốn tu cho mình mạnh thì mình không làm những chuyện mà nó làm xáo trộn tinh thần và hao tổn thần lực của mình. Đây là chuyện mình phải tự quyết định và trách nhiệm đối với phần tâm linh của mình. Không ai chịu trách nhiệm cho mình cả. Cuộc đời không bao giờ chịu trách nhiệm cho sự tiến hóa của mình. Tu vô vi là giải nghiệp trong tâm rồi không nhất thiết phải lãnh nghiệp để mà nói trả nghiệp. Các sự bám víu trong tâm là do sự yếu lực của tâm mình chứ không phải duyên nghiệp gì hết.
- Bạn đạo: Luân hồi là sao chú?
Chú Bá: Luân hồi là bị trở lại. Mình bị trở lại vì mình còn lưu luyến, vì mình tưởng hoàn cảnh là quan trọng là thật là của mình và mình phải có trách nhiệm lo cho nó. Tóm tắt là mình bị lầm vì không biết nguồn gốc và ý nghĩa của cái tạo ra sự việc.
- Bạn đạo: Vậy nguồn gốc và ý nghĩa của cái tạo ra sự việc là sao ạ?
Chú Bá: Nguồn gốc là điển tâm mất quân bình không thanh tịnh nên tạo ra sự việc và tạo ra hoàn cảnh cho mình thấy mình có nhiều thất tình lục dục và có tâm bám víu nên đau khổ. Nếu muốn giải thoát khổ thì mình tu cho tâm lực mạnh để giải các ý trần ra khỏi tâm của mình. Khi tâm thanh nhẹ thì mới biết đời không phải thật như mình đã từng nghĩ nên mình không còn có bám víu nữa.
- Bạn đạo: Chú Bá ơi nếu mình ăn con gì thì cũng phải giải ra hết à?
Chú Bá: Bất cứ cái gì mình thâu vô thì bắt buộc phải giải ra trả lại cho vũ trụ hết. Không trả hết mà còn giữ bên trong thì phải trả hoài khi nào trả hết thì mới không còn thiếu nợ nữa.
- Bạn đạo: Chú Bá ơi con mới tu không lâu vậy con nên ăn chay hay là ăn cá có được không?
Chú Bá: Tu nên ăn uống cho tâm nhẹ và cơ thể khỏe mạnh để tu. Ăn rau cá tôm, đồ biển được. Cái chánh là ăn xong rồi tu giải thì tâm mới nhẹ. (Bảng tiếng Anh, Chưa có)
🍀 PHẦN 152
- Bạn đạo: Thế nào là TRÍ, Ý, THẦN?
Chú Bá: Hiểu rõ ràng là TRÍ thông. Còn muốn đạt cái THÔNG thì Ý phải CÓ LỰC gọi là THẦN. Ý thông là thần thông. Thần thông thì khi mình có ý chuyển là sự việc thay đổi. Tại vì sự việc xảy ra là do ý. Mà mình chuyển ý được thì sự việc thay đổi. Người ta nói mọi sự đều do tâm. Thì mình dùng tâm đổi sự việc. Mà muốn đổi được thì phải có tâm. Có tâm là cái ý có lực. Muốn cái ý có lực thì năng lực của bộ đầu phải thông. Muốn bộ đầu thông thì pháp soi hồn là hạng nhất rồi trụ ý niệm phật gia tăng chấn động lực của cái tâm. Có người nói tôi có tâm. Họ có ý nhưng không có lực nên sự việc không thành như ý.
- Bạn đạo: Ý lực mạnh mà niệm phật thì đỉnh đầu xoáy liền phải không chú?
Chú Bá: Đúng.
Bạn đạo: Đó là lý do vì sao phải hành pháp và niệm phật suốt.
Chú Bá: Đúng. Người có tâm tu là người lo trụ ý niệm phật hoài. Tâm tu là tâm phát ra chấn động.
Bạn đạo: Làm sao để tăng thần?
Chú Bá: Thần là sức mạnh của cái ý. Niệm phật nhiều tăng thần. Có tinh tạo khí tạo thần.
- Bạn đạo: Trong gia đình có người thân bị bệnh thì khi tu mình có bị hút trược bệnh từ người thân không?
Chú Bá: Bệnh là do tâm không thông. Năng lực không lưu thông tạo cho tâm hồn bị trược nên không giải trược được. Mình ở chung với người bệnh thì chắc chắn bị ảnh hưởng xấu. Cho nên mình phải giải nhiều phấn đấu tu nhiều. Nếu không bị bắt buộc thì đi chỗ khác. Cũng như đứng gần lửa bị nóng thì đi chỗ khác. Nếu có áo quần chống nóng thì không có sao. Còn không có áo quần chống nóng mà làm anh hùng nhào vô rồi bị phỏng thì mình biết là mình không khôn.
- Bạn đạo: Chú ơi khi nói chuyện điện thoại với người ta tự dưng cảm thấy buồn và hơi chán là do mình hút trược của người ta à?
Chú Bá: Nói điện thoại hút trược người ta mạnh lắm. Họ thích họ kêu nói chuyện hoài. Chú thấy ai thích nhiều chuyện mà nói điện thoại hoài là ngu mà không biết. Cũng tại vì cái tội thích xã giao. Chú Bá không nói chuyện xã giao với ai hết. Chẳng có gì quan trọng để nói. Mình tu giải trược và không làm chuyện tầm phào không cần thiết. Ba của chú Bá tu Vô Vi thích bạn bè nên bệnh hoài. Khi bệnh bạn bè kêu điện thoại hỏi thăm rồi bệnh thêm. Chú Bá nói dẹp đi sẽ hết bệnh. Khi bệnh quá thì nói hết nổi nhưng sau phục hồi rồi lại nói tiếp. Bệnh tiếp.
- Bạn đạo: Huynh Bá ơi, có phải mình còn yếu mà giúp bạn là sẽ mất điển không? Vì mình giúp không đúng cách?
Chú Bá: Khi nói giúp là phải tốn hao chứ. Chứ đâu phải nói khơi khơi mà thôi. Cũng như mình nói tôi cho tiền giúp bạn thì phải bỏ tiền ra chứ. Người ta hay chúc với nhau “chúc anh chị mạnh khỏe” mà hổng có cho sức khỏe thì làm sao khỏe. Sức khỏe là điển đó. Cho nên người đời làm nhiều chuyện không có kết quả gì hết. Tết chúc tùm lum mà không có gì hết. Chúc may mắn. Hihi. Làm gì có may mắn. Mình phải có sự thanh nhẹ thì không cần chúc người ta cũng vui, cũng mạnh khỏe và may mắn à. (Bảng tiếng Anh, Chưa có)
🍀 PHẦN 153
- Bạn đạo: Hình như mình tu thì vía cũng nhẹ bớt nên nó thấy trước tương lai phải không sư huynh?
Chú Bá: Phải. Khi nhẹ đôi khi thấy tương lai vì trong điển giới không có tương lai hay quá khứ. Tất cả dữ kiện đều có sẵn cho nên ông Tư tu thấy được lúc trước khi vũ trụ tạo ra. Ông Tư thấy một luồng điển đen mà ông Tư nói không phải người mà cũng không phải vật chất. Mình gọi là Hắc Bì Phật Tổ, ông Trời. Cho nên khi mình thấy cái gì không tốt xảy ra thì mình niệm phật và hít thở pháp luân thường chuyển để đổi hoàn cảnh tốt trong tương lai.
- Bạn đạo: Chú Bá ơi, sao dạo này con không tập trung hành pháp được? Con hay suy nghĩ lung tung quá.
Chú Bá: Lo tu giải trược thì dần dần sẽ hết ý. Còn ý là vì trược nhiều quá. Cái gì cũng muốn kiểm soát. Biết tại sao mình muốn kiểm soát theo ý mình không? Tại vì mình tưởng mình giỏi nên mình độc tài. Mình chỉ kiểm soát chuyện tu của mình chứ không kiểm soát chuyện của người ta. Kiểm soát sao cho mình thanh nhẹ. Mà khi mình thanh nhẹ thì khi mình muốn là mọi chuyện sẽ thành tốt nhất. Đi tắm biển mới có ý sao mà sóng nhiều quá thì sóng êm à. Êm suốt thời gian nghỉ ở đó 1 tuần.
- Bạn đạo: Người ta đi làm từ thiện là nhiễm trược hay bị dính điển keo hả chú?
Chú Bá: Làm từ thiện là tập tâm buông bỏ nhưng hút điển trược nhiều lại thành keo. Cho nên không có hiệu quả. Thở chiếu minh là làm từ thiện. Khai tâm buông bỏ và tâm phát triển thanh nhẹ. Có cả hai.
- Bạn đạo: Mình có cần làm 2 việc là sống đạo đức và giải trược, hay chỉ cần giải trược thôi hả chú?
Chú Bá: Giải trược là có đạo đức tự nhiên. Đạo Đức thật sự từ trong tâm tự nhiên. Đạo Đức là chấn động từ bi do tâm thanh nhẹ quân bình.
- Bạn đạo: Khi trung tâm chân mày thông thì nó như thế nào chú ơi?
Chú Bá: Khi trung tâm chân mày thông thì cảm thấy có luồng điển phóng ra từ trung tâm chân mày. Nó phóng ra thông suốt không có bị cản trở đau nhói gì hết.
Bạn đạo: Khi đó tự nhiên thấy quầng sáng xanh, ở trong có điểm sáng. Tập trung vào đó là xuất hồn đúng không chú?
Chú Bá: Nhìn đi theo điểm sáng đó. (Bảng tiếng Anh, Chưa có)
🍀 PHẦN 154
- Bạn đạo: Chú ơi, lúc trước con tu là chỉ nghĩ sau này được giải thoát về miền Tây Phương Cực lạc và được dự Hội Long Hoa. Nhưng khi con gặp được Pháp Vô Vi và cố gắng hành pháp thì ý nghĩ của con lại khác hơn trước.
Chú Bá: Có bạn đạo cũng tới cảnh thiên đàng rồi. Nhưng tu vô vi nhiều khi đi thẳng vô gốc luôn chứ không có qua các cảnh giới khác. Nhưng mà hòa vô vũ trụ một chút xíu cho biết thực chất của phần hồn như thế nào thì mình mới biết cái chỗ chánh mà mình phải đi tới. Chứ cảnh thiên đàng cũng không phải là chỗ chánh.
- Bạn đạo: Vậy thì chỗ chánh là đâu chú?
Chú Bá: Là tất cả, mình ở khắp nơi. Khắp nơi là không có chỗ.
Bạn đạo: Con chỉ hoà được vào vũ trụ. Nhưng chưa có trạng thái mình là tất cả.
Chú Bá: Cứ tu nữa sẽ tới. Tu không có vị trí không có giai cấp không có hơn thua. Tu không có thi đua. Tu là khai triển cho mình thông thanh nhẹ tối đa. Không phải ngồi thiền lâu là hay. Ngồi lâu mà mong cầu hạng nhất là zêro điểm. Rồi không biết tại sao tôi thiền hay vậy mà vẫn không mở trí. Lý luận có giới hạn.
- Bạn đạo: Như chú nói, người ta đi trước là cây sầu riêng. Còn mình là hạt sầu riêng. Lâu ngày nó lớn cũng là cây sầu riêng luôn hà.
Chú Bá: Nhưng mà điển hóa văn. Điển nhẹ đọc thì mở trí còn điển nặng đọc vô thấy bực mình. Không có giấu được với vô vi. Người hôi diện đẹp cũng vẫn hôi.
- Bạn đạo: Ai nói hay thì kệ. Mình đọc mà nặng là không hay rồi.
Chú Bá: Em bé vô tư thích hôn hoài. Không phải mình phân biệt mà mình biết. Mình tu mình biết thì không làm chuyện hại mình. Mình tu để mình biết và phải áp dụng cái biết để đi đến thanh nhẹ. Đó gọi là Trí sáng. Không hại mình là Bi. Dũng là thấy hại quyết không làm. Chết là chôn không làm ngơ được. Nhưng mà tùy chuyện nào nên làm ngơ và chuyện nào cần phải giúp. Đó là Trí sáng.
Bạn đạo: Con muốn cho người ta tu đạt được kết quả tốt là con thấy vui rồi.
Chú Bá: Hồi xưa cũng hay thách đố ai thiền lâu là hay. Con tu có kết quả thì con mới vui. Con làm ngơ con mới có kết quả cao siêu.
- Bạn đạo: Sao càng tu càng thấy trong người mình đứa nào cũng có ma nằm sẵn ở trong? Nó chờ lúc mình yếu tinh thần là nó chơi mình liền?
Chú Bá: Trong một ổ kiến lửa nếu có con nào bị bệnh nấm mốc là kiến thợ đem ra bỏ ở ngoài ổ cho nó chết khỏi lây bệnh nấm. Anh Bá nói rồi ai cũng có ma quỷ núp bên trong chứ đâu có thánh thiện gì đâu. Đừng nghĩ mình hiền mình tốt.
(Bảng tiếng Anh, Chưa có)
🍀 PHẦN 155
- Bạn đạo: Họ không biết thì mình từ từ phân giải. Chứ làm khó sai lại càng sai.
Chú Bá: Phân giải không có được. Dùng điển giải tâm, dùng lý không giải tâm được. Họ phải dùng điển và tự giải tâm họ. Mình chỉ khơi giúp họ một chút ban đầu thôi. Nếu họ không chịu tu hành thì họ ráng chịu chứ mình không có đi gánh nghiệp của người ta. Mình tu giải nghiệp của mình chưa xong mà.
- Bạn đạo: Có lúc con không biết phải nói làm sao. Nhưng nói đại vài ba câu thì thấy họ khác liền.
Chú Bá: Điển là gốc sinh ra mọi chuyện. Họ khác ngay lúc đó thôi. Nhưng nếu họ không cầu tiến và hy sinh để sửa thì rồi cũng như không. Không tin chú Bá thì nữa biết. Chú Bá không quan tâm mà quan tâm rồi không quan tâm. Biết tại sao không? Tại vì chú Bá biết có cái luật rồi. Trước sau gì cũng bị đập nếu lì.
Bạn đạo: Con tin Chú, nhiều lúc cũng muốn làm ngơ để lo cho mình lắm chú. Mà con cũng không làm được. Đó là yếu điểm của con đó chú.
Chú Bá: Hihi chú Bá biết mà. Bài thi đó. Có mắt nhìn mà như không thấy.
- Bạn đạo: Tại sao lại có cảm giác cô đơn?
Chú Bá: Người ta có cảm giác cô đơn vì tâm họ không có hòa tan với vạn vật. Tâm họ bị cô đọng không có tình thương nên họ cần có ngoại cảnh kích động cho có tình thương. Còn người tu tâm phát ra chấn động tình thương thì họ lúc nào cũng có sự ấm áp cho nên họ ở một mình hay ở chung với mọi người cũng đều vui và ấm áp. Tâm của người tu lúc nào cũng trụ, độc lập và bình an nên ngoại cảnh không phải là yếu tố chánh để làm cho họ vui. Tâm họ trụ nên lúc nào họ cũng chỉ có một mình thì lại có nhiều người đến chung vui. Còn tâm không trụ tìm nhiều người chơi chung rồi cãi lộn rồi không có ai chơi chung. Rốt cuộc thiên nhiên chỉ có một mình. Một mình trong sự thanh nhẹ hay là một mình vì bị động loạn.
- Bạn đạo: Nghiệp là gì?
Chú Bá: Nghiệp là sự bế tắc, sự mất quân bình của tâm hồn cho nên cái hồn phải được khai thông cho nó quân bình trở lại. Thí dụ mình sống trong môi trường stress nhiều quá chịu không nổi nên mình uống rượu hay uống cafe cho thư giãn. Rồi sanh ra bệnh gan nóng. Nó hành mình để mình không uống rượu nữa. Con người ta là bị vậy hết cái này tới cái khác. Nếu mình biết tu biết giải cái stress ra thì mình không cần uống các chất giúp mình được thư giãn.
- Chú Bá: Khi một người tu đi vào cõi tâm linh và đến gặp người tu có lực lượng hào quang mạnh hơn thì tự động người có hào quang yếu phải hạ mình và tiếp nhận sự sáng suốt của người có hào quang mạnh hơn. Trật tự xảy ra một cách tự động chớ không phải học theo một lề lối lễ nghi nào cả. Đó mới chính là lễ nghi siêu phàm trong cõi Vô Vi. Mặc dù tu Vô Vi không có học lễ nghi hay giáo lý nhưng khi người tu Vô Vi hành thông thì tự động có trật tự và hiểu biết được sự thật. (Bảng tiếng Anh, Chưa có)
🍀 PHẦN 156
- Bạn đạo: Tại sao gọi là DỤC?
Chú Bá: Dục là muốn. Luật thiên nhiên của tâm linh nói chung là luôn luôn đưa đẩy cho tâm hồn trở về trạng thái quân bình để nó tồn tại. Khi các trược điển bám vô tâm hồn thì nó lắng đọng xuống hạ thừa và làm cho sự lưu thông năng lực điển quang bị bế tắc. Cho nên nó dồn nén và mất quân bình. Vì vậy sinh vật có ý dục mục đích để giải tỏa mà có được lại trạng thái quân bình. Nhưng cái cách giải tỏa qua thể xác thì vô tình mình tạo ra con cái. Cũng vì cái luật thiên nhiên này mà cái xác tạo ra cái xác để rồi là nơi mà các phần hồn yếu đuối mất quân bình bị nhốt vào theo nghiệp quả của nó. Vì hồn yếu và tăm tối nên nó tiếp tục tạo nghiệp theo luật thiên nhiên. Vì tăm tối nên hồn cứ bị sai lầm mà làm theo các tư tưởng bế tắc do trược điển tạo ra mà mình gọi là thất tình lục dục. Vì vậy mà hồn bị đau khổ và mất đi sự bình thản thanh tịnh. Vì không có lối thoát vì bị khổ triền miên nên mới chịu ngồi yên lại. Khi mình ngồi yên thì năng lực được phục hồi, trược điển được giải ra nên có được sự bình an và tâm thức được tự do. Khi năng lực lưu thông không có bị dồn nén các kinh mạch nữa thì không còn có ý dục. Không tạo nghiệp không khổ nữa. Khi tâm thanh sạch thì hồn nhẹ và nó rời thể xác mà trở về trời là quê xưa của nó. Rồi tiến nữa...tu thì sẽ biết. Tình đời là cảm tình theo thất tình lục dục. Theo cái bản ngã hẹp hòi tăm tối của mình. Vì cảm tình từ sự tăm tối cho nên nó không tốt hoàn toàn mà có sự lo lắng bận tâm rồi sinh ra khổ nạn. Còn từ bi là tâm sạch năng lực dồi dào nên chấn động từ bi hóa giải tất cả sự bế tắc mà tạo cho tâm hồn có bình an và hạnh phúc thật sự. Khi mình tu có từ bi thì mới là thật sự thương cho phần hồn của mình và phần hồn của vạn vật.
- Bạn đạo: Chú Bá cho con hỏi do con từng nghĩ xấu ông Tám vậy bây giờ con có sao không chú Bá?
Chú Bá: Tội là tâm ma quỷ tánh có trong tâm của mình. Nó tạo ra cái tánh kêu căng ngã mạn, tham, sân, si... vì có nó nên mình mới nghĩ xấu về người khác. Cho nên không phải nghĩ xấu ông Tám là có tội mà vì đã có tội rồi nên mới nghĩ xấu ông Tám. Bây giờ tu giải cái tâm ma quỷ tánh ra thì hết tội.
- Bạn đạo: Chú ơi, lúc con ăn hải sản thì niệm phật trên bộ đầu cảm giác như có hạt gì đó bung ra nhỏ li ty. Ngộ ghê.
Chú Bá: Là giải mấy cái hồn của tôm cá ra đó. Cho thấy mình có khả năng độ con vật sau khi mình ăn vô. Đưa nó cho Trời rút về Trời. Mình khai thông đỉnh đầu thì mới đưa về Trời được.
Bạn đạo: Dạ chắc con hổng dám đâu vì con mới tu và còn tu dở ẹt.
Chú Bá: Sự thật là như vậy. Trước đây không biết khả năng tâm linh của mình. Con người không biết khả năng của chính mình nên cầu xin hoài là vậy. Hihi giờ chú Bá cho biết đó. Ráng tu thì biết nhiều hơn nữa. Không có tự kỳ thị mình.
- Chú Bá: Đời là giả tạm. Chuyện đời mình đã tạo ra và tại vì mình không có đủ ý lực để giữ tâm thanh tịnh thì mình vẫn sinh sống bình thường nhưng mình luôn có ý tu để tự giải thoát. Người đi trước luôn nhắc nhở Đời là giả mà mình muốn nó là thiệt hoài. Ôm cái giả thì tự chuốc lấy khổ. Ai chịu trách nhiệm cho cái khổ của mình. Tu mà than thì sẽ được học nhanh cho hết than. Mình than là vì mình còn mê trần, mê cái không thiệt. Học cho thấy đời là không thật.
- Bạn đạo: Tâm không là gì?
Chú Bá: Tâm không là cái tâm hoàn toàn trong sạch, không có các ý khác làm chi phối cản trở sinh lực của cái tâm. Năng lực luân chuyển được tối đa nên ý lực của nó mạnh nhất. Nó không có trược điển nó không có ác là nó có từ bi vô cùng. (Bảng tiếng Anh, Chưa có)
🍀 PHẦN 157
- Bạn đạo: Người ta nói "Thiên Địa hữu tình", vậy cái tình này là tình gì và trong tiểu thiên địa của mình thì nó biểu hiện ra sao vậy chú?
Chú Bá: Thiên Địa hữu tình là có sức hút âm và dương, thanh điển và trược điển để phần hồn biết cách trở về trung đạo là cân bằng tâm thức là trở về tâm không. Trong người mình có ngũ tạng xung khắc với nhau. Mình tu mình giải trược cho tất cả được là mình khôn mình có ý lực để rồi mình cứu được mình trở về hoàn toàn tốt đẹp như nguyên gốc lúc ban đầu. Khi ngũ tạng mất quân bình thì mình bị bệnh. Đó là dấu hiệu nhắc nhở để mình không làm sai nữa. Đó là tình thương của Trời. Mình bị khổ tâm là dấu hiệu của tình thương. Khi mình còn thắc mắc là do mình bị mất quân bình trong tâm thì cái sáng suốt của vũ trụ soi sáng bù đắp cho tâm mình được tròn đầy. Đó là sự trả lời trong tâm. Cho nên mình cứ lo khai thông kinh mạch của mình thì khi mình thiếu hay đau khổ là vũ trụ bù đắp tự động. Cho nên không cần phải cầu xin. Mình chỉ lo tu giải trược thôi. Giải cho bộ đầu và tất cả kinh mạch đều thông. Khi mình thông thì mình biết. Gọi là Thông Minh.
- Bạn đạo: Tại sao có những linh hồn không đi đầu thai mà vẫn có thể nhập xác người khác?
Chú Bá: Những linh hồn không sáng là những linh hồn yếu thì sẽ tiến hóa theo luật của Trời. Khi chưa đi đầu thai theo nghiệp quả thì nó bám vô các tâm hồn yếu để lợi dụng và hưởng thụ.
- Bạn đạo: Pháp vô vi rất tốt và rất hay. Nhưng có những người như Lục tổ Huệ Năng dù không biết Pháp vô vi mà vẫn tu tốt.
Chú Bá: Ngài không Soi Hồn, Pháp Luân Thường Chuyển, Pháp Luân Chiếu Minh nhưng ngài trì chí niệm phật suốt ngày và không có hướng ngoại lo chuyện bên ngoài. Có câu chuyện kể rằng: người ta hỏi ngài tại sao không có giận khi người ta chửi ngài? Ngài trả lời là ngài đang bận lo tu nên không có để ý chuyện người ta chửi ngài. Cho thấy là ngài đã phải tu và niệm phật liên tục giải trược. Phật Thích Ca không có Soi Hồn, không có Pháp Luân Thường Chuyển và không có Chiếu Minh nhưng ngài quyết chí ngồi thiền không mở mắt cho đến khi nào biết chơn lý. Cho thấy những người tu đạt đạo là phải dày công hành pháp chứ không phải không hành pháp mà tự nhiên về nơi thanh nhẹ được.
- Bạn đạo: Thế nào là một người siêng năng làm lành lánh dữ?
Chú Bá: Khi gọi là "làm lành lánh dữ" là giải trược lưu thanh đó. Nếu không giải trược được là không có thật sự lành trong gốc của tâm hồn. Pháp tu nào tu giải thoát là phải thực hành giải trược lưu thanh cho kỳ được. Một hành trình đòi hỏi phải cương quyết dầy công hành pháp chứ không phải chỉ có ý muốn là được. Pháp vô vi là pháp tu giải thoát và giai đoạn đầu tiên là tự mình xuất hồn. Cho nên phải suy nghĩ chín chắn để tu cho đạt có kết quả và bước lên bậc thang đầu tiên rồi bước lên tiếp tục nữa.
- Chú Bá: Thường người ta không biết tại sao mình tu không tiến không nhẹ nhàng. Tu vô vi biết điển không thông thì hồn không nhẹ và không xuất. Tại sao cũng là người giống nhau mà lại có kết quả khác nhau? Cái khác biệt là người có tâm buông thả và người có tâm ôm giữ. (Bảng tiếng Anh, Chưa có)
🍀 PHẦN 158
- Bạn đạo: Mình tu mình giải trược thì trong bản thể mình chỉ còn thanh điển. Âm dương thiếu 1 tức là không tròn đầy. Vậy quân bình này mình hiểu như thế nào mới đúng hả chú?
Chú Bá: Khi mình quân bình là không thanh không trược. Thanh trược đều dung hòa gọi là tâm không. Hiện giờ mình tu mình PHẢI lấy thanh điển để dung hòa trược điển của mình có đầy ở trần gian. Chứ không phải dung hòa là nhào vô trược rồi nói không chấp trược. Người có tật là do nghiệp quả của họ tạo ra vì sự tăm tối của họ. Nghiệp nặng thì lẽ dĩ nhiên khó tu hơn người có nghiệp nhẹ. Nhưng khi biết lỗi là do mình tạo ra thì mình phải ráng tu để giải nghiệp rồi phần năng lực của các bộ phận cũng phục hồi lại được. Điển giới không có mất, chỉ có yếu hay mạnh mà thôi. Mình cứ tu. Thắc mắc thì hỏi nhưng mặc kệ cái thắc mắc. Lo giải trược rồi tự nhiên biết mà mình cũng không cần biết nữa. Chỉ lo niệm phật tu cho thông cho thanh nhẹ vô cùng.
- Bạn đạo: Chú, con thấy có người làm ngừng mưa hay làm tan mây được. Nhưng tại sao con thử làm mà không được?
Chú Bá: Khi nào tâm điển nhẹ nhàng và đỉnh đầu thông thì ý phát ra là chuyển được.
Bạn đạo: Chú ơi, ví dụ dùng ý nói ngừng mưa hay tan mây thì có bị mất điển không chú?
Chú Bá: Mình đâu có dùng điển của mình đâu mà mất. Chỉ có ý ra lệnh thôi.
- Bạn đạo: Giả sử làm tan được bão thì có phạm luật trời không ạ?
Chú Bá: Không có phạm luật vì tâm của mình là luật đạo. Khi mình quân bình thì mình mới thi hành được. Nhưng khi tâm mình thanh tịnh thì mình đâu có muốn xen vào chuyện của tự nhiên.
- Bạn đạo: Chú cho con hỏi, chú nhìn thấy Phật Thích Ca và Phật Bà Quán Thế Âm có giống như các hình ảnh mình vẫn biết ở trên thế gian không ạ?
Chú Bá: Cái mặt thật của mình có giống hình trong gương không? Hihi. Hồn là ánh sáng không có mặt. Cho nên nếu mình chấp vô cái hình mình thấy ở trần gian là mình tự ám ảnh sai lầm. Cái tượng phật do anh thợ điêu khắc tưởng tượng khắc hay vẽ ra chứ họ có bao giờ gặp thấy Phật đâu.
- Bạn đạo: Chú, ngồi thiền mà ngủ với nửa mê nửa tỉnh có khác gì nhau không? Con thấy ngủ không à. Vừa mê vừa tỉnh thì hiếm có trạng thái này.
Chú Bá: Khi mới vô thiền thì trược giải ra nhiều nên ngủ mê man. Sau khi ngủ thức dậy rồi ngồi thiền thêm thì lúc đó có thanh nhẹ nên có trạng thái mê mê tỉnh tỉnh. (Bảng tiếng Anh, Chưa có)
🍀 PHẦN 159
- Bạn đạo: Chú bá cho con hỏi, con thấy nhiều anh chị ăn thịt cũng khoẻ mà sao con ăn nó mệt lắm chú?
Chú Bá: Mình mệt tại vì tâm mình nhẹ nên bị phản ứng mạnh của trược điển. Còn người ăn thịt vẫn thấy bình thường thì một là tâm bị bít nghẹt hết nên không thấy có phản ứng gì, hai là tâm thông nên giải hết trược điển của đồ ăn thành ra không thấy có phản ứng gì.
- Bạn đạo: Giờ em biết mấy con ma trong người nó gạt mình ghê lắm. Tối nào trước khi hành pháp cũng nguyện xuất hồn lên đảnh lễ Phật, đó là nói theo kiểu thuộc lòng vậy thôi chứ đụng chuyện là không dám đi. Do phần hồn còn yếu hèn nên để mấy con ma nó hù, nó gạt đủ thứ hết.
Chú Bá: Hihi. Nữa ý lực mạnh thì niệm Nam Mô A Di Đà Phật là đi liền. Nên niệm lục tự thay vì niệm Quan Thế Âm Bồ Tát. Niệm lục tự là tự khai thông. Niệm Quan Thế Âm Bồ Tát là ý cầu cứu.
- Chú Bá: Khi mình nghe sự chia sẻ thì cứ nghe nhưng chưa biết đúng hay sai. Khi mình hành pháp nếu có kết quả như họ nói thì mình nhận ra mau hơn. Nếu nghe mà hành pháp không có kết quả thì cũng không biết gì. Cái chánh là khi nào mình tu mình phát ra từ bi thì khi nói mới khai mở tâm người nghe được.
- Chú Bá: Làm sao biết được cái luồng điển nào chánh hay tà. Điển chánh làm cho tâm hồn mình cảm thấy nhẹ nhàng yêu thương và cởi mở. Ngược lại là tà điển làm cho cảm thấy nặng nề giận hờn và đau nhức. Tâm tâm tương ứng không phải là nhập xác vì người tâm tâm tương ứng thì họ tự chủ và tỉnh táo. Mục đích của tâm tâm tương ứng là dạy cho biết có cõi tâm linh để mình quyết tâm tu vì hiểu đời chỉ là tạm.
- Bạn đạo: Chú Bá cho con hỏi là khi hòa vào hư không đại định thì có phải tất cả chúng ta là một. Nếu vậy tại sao phải có sự phân biệt ma quỷ tiên trời phật?
Chú Bá: Khi hòa vô hư không thì mọi trạng thái đều là mình cùng một lúc. Tức là mình không có phân biệt thì mình có trạng thái thanh tịnh. Khi đang thiền thì năng lực của mình luân lưu bên trong rất mạnh nên không có con ma nào lại gần được vì sức mạnh từ trường hào quang của mình đẩy các tà điển ra. Khi mình tu thanh nhẹ thì không có ý gì cả cho nên khi mình có ý là ý của vũ trụ. Khi mình thanh thì có ý thanh khi mình trược thì có ý trược. Muốn giữ cho mình thanh tịnh thì mình trụ ý niệm phật nên không còn có ý nào nữa. (Bảng tiếng Anh, Chưa có)
🍀 PHẦN 160
- Bạn đạo: Luân xa trung tâm chân mày mở và thông khác nhau thế nào chú?
Chú Bá: Luân xa trung tâm chân mày thông là có luồng điển xì ra, còn khi nó mở là thấy cảnh như xem tivi HD.
- Bạn đạo: Chú ơi! Con niệm phật xong rồi thiền thì thấy con là một mầm cây từ dưới đất chồi lên và lớn lên nhờ hít thanh điển từ càn khôn vũ trụ. Con là cái cây con hiểu được nó. Vậy là hiện tượng gì vậy chú?
Chú Bá: Mình hòa vô và là cái cây nên mình hiểu nó hoàn toàn. Cái hồn mình có tính chất hòa khi nó buông thả và nhẹ nhàng.
- Bạn đạo: Chú Bá ơi cho con hỏi, có phải tụi con được chú ấn chứng không ạ?
Chú Bá: Tụi con tự tu tự tiến và tự chứng đắc.
Bạn đạo: Sao chú không ấn chứng cho tụi con tu mau hơn?
Chú Bá: Hihi. Có chỉ cách tu cho mau có kết quả rồi.
- Bạn đạo: Tu mà sợ đủ thứ thì có sao không?
Chú Bá: Tu không nên sợ gì hết vì sợ nó làm áp đảo tinh thần mà tâm không phát triển lớn rộng được. Mình tu mình chỉ giải trược khai thông các bế tắc của tâm hồn mình mà thôi.
- Bạn đạo: Sao niệm phật mà có ý xen vô lại không có hiệu qủa vậy chú Bá?
Chú Bá: Niệm phật mà không có ý xen vô thì tâm mới định. Định mới là có kết quả. (Bảng tiếng Anh, Chưa có)